Đầu tư trên 150 tỷ đồng xây dựng kè lấn biển tại tỉnh Cà Mau

Trong năm 2016, tỉnh Cà Mau tranh thủ nguồn vốn của Trung ương ưu tiên đầu tư khoảng 16km kè lấn biển ở tuyến bờ biển Tây, với nguồn vốn ước tính ban đầu trên 150 tỷ đồng.
Đầu tư trên 150 tỷ đồng xây dựng kè lấn biển tại tỉnh Cà Mau ảnh 1Rừng phòng hộ đến tuyến đê Biển Tây ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Trong những năm qua, bằng nguồn vốn nâng cấp đê biển của Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng hơn 18km kè lấn biển nhằm chống sạt lở bờ biển, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông và biển Tây.

Ông Tô Quốc Nam , Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết giải pháp xây dựng các công trình kè lấn biển đang phát huy được hiệu quả trong việc bảo vệ bờ biển trước nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Đến nay, nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở nguy hiểm từng bước được khắc phục bằng hệ thống kè tạo bãi, vừa khắc phục sạt lở, vừa trồng rừng lấn biển nhằm nhanh chóng khôi phục lại hiện trạng diện tích rừng phòng hộ bị mất đi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh có hàng chục đoạn bờ đang ở cấp độ sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm, nhiều đoạn sạt lở chỉ cách chân đê vài mét. Cụ thể là đoạn bờ biển thuộc địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh và đoạn từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đang trong tình trạng nguy cấp, luôn rình rập nguy cơ gây vỡ đê khi xảy ra biển động mạnh hoặc có bão.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng kè lấn biển khá lớn, bình quân mỗi mét tới kè tốn kém từ 30-40 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khó khăn về vốn nên tỉnh đang nghiên cứu chọn phương án đầu tư xây dựng kè lấn biển giảm gần một nửa giá thành, nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả trong việc ngăn sạt lở bờ biển trước tác động xấu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trước mắt, trong năm 2016, tỉnh Cà Mau tranh thủ nguồn vốn của Trung ương ưu tiên đầu tư khoảng 16km kè lấn biển ở tuyến bờ biển Tây, với nguồn vốn ước tính ban đầu trên 150 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tô Quốc Nam, việc triển khai xây dựng công trình kè lấn biển vào mùa khô, mùa sóng yên gió lặng thì mới đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng công trình, hạn chế rủi ro trong quá trình thi công công trình. Do thiếu vốn đầu tư, mặt khác lại do ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên phải chờ Trung ương cấp vốn thì mới triển khai được. Vì vậy, địa phương rất khó trong việc chủ động triển khai xây dựng hệ thống công trình kè chống sạt lở trước mùa mưa bão hàng năm./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục