ĐBQH: Có bao nhiêu đề tài nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực?

Theo người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ, bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vi vậy, khó xác định bao nhiêu đề tài đã được ứng dụng.
ĐBQH: Có bao nhiêu đề tài nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực? ảnh 1Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hôm nay 7/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội xung quan vấn đề ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ mới, được nhiều đại biểu quan tâm.

Bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng?

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Cũng quan tâm tới tính ứng dụng của các đề tài khoa học, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam cho biết trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học. Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Đến nay, đã có 9 trường đại học của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

ĐBQH: Có bao nhiêu đề tài nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực? ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa," Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

[Phát triển khoa học và công nghệ là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân]

Theo người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

“Các đề tài khoa học cũng chia làm nhiều loại như: Đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, có đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển.... Có những đề tài phải nhiều năm sau này mới phát huy giá trị,” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Về số liệu chính thức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết việc thống kê này cũng tương đối khó khăn. Bộ sẽ có thống kê chính xác hơn để phục vụ cho các đại biểu Quốc hội một các thỏa đáng.

ĐBQH: Có bao nhiêu đề tài nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực? ảnh 3Hoạt động nghiên cứu khoa học được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: Vietnam+)


Làm chủ, phát triển công nghệ cao

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho rằng đưa nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh luôn tồn tại rủi ro, các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu ở trong nước?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đều đã có sẵn chính sách, cơ chế pháp luật, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng trong thời gian qua nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ để triển khai ứng dụng công nghệ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động phát minh, sáng chế còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục