Đề thi minh họa Tốt nghiệp THPT: Điều chỉnh phù hợp với dịch COVID-19

Theo các giáo viên, đề thi minh họa kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đã có điều chỉnh phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 như không có phần địa lý lớp 11, không có kiến thức vật lý kỳ hai lớp 11.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Nhận định về đề thi minh họa cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các giáo viên của Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng đề thi đã có điều chỉnh phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19.

Giảm chương trình lớp 11

Theo các giáo viên, đề thi minh họa ở các môn đều tập trung vào chương trình lớp 12 với 90% nội dung đề, phạm vi kiến thức lớp 11 ít hơn và không khó. Điều này là hợp lý vì năm lớp 11 các em chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải tạm dừng đến trường ba tháng, chương trình được tinh giản.

Cụ thể, với môn toán, thầy Lưu Huy Thưởng nhận định đề thi minh họa có tỷ lệ 10% câu hỏi lớp 11 và 90% câu hỏi lớp 12. Đặc biệt, các câu hỏi thuộc lớp 11 không có câu ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.

Với bài thi tổ hợp khoa học xã hội, đề thi minh họa bám theo tinh thần của công văn điều chỉnh nội dung dạy học 3280/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT. Đề thi có 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. Riêng môn Đia lý, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình học lớp 12, không xuất hiện câu hỏi thuộc lớp 11.

Với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, đề thi không xuất hiện các nội dung thuộc nội dung điều chỉnh dạy học theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH. Đặc biệt, với môn Vật lý, nội dung phần học kỳ II của chương trình Vật lý lớp 11 - phần thuộc nội dung tinh giản của công văn 1113/BGDĐT-GDTrH tháng 3/2020 cũng không xuất hiện trong đề thi minh họa.

Trên 70% câu hỏi dễ

Đánh giá về mức độ của đề thi minh họa, các giáo viên ở các môn đều nhận định đề có trên 75% câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết và thông hiểu, là những câu hỏi thí sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể trả lời được.

Đề thi minh họa Tốt nghiệp THPT: Điều chỉnh phù hợp với dịch COVID-19 ảnh 1Thí sinh vui mừng vì làm tốt bài sau kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, với môn toán, đề có 76% câu hỏi ở mức độ dễ với 40% câu hỏi mức nhận biết, 36% câu hỏi mức thông hiểu, 14% câu hỏi ở mức vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao.

Tuy nhiên, các câu thuộc mức độ vận dụng hầu như đều thuộc các dạng bài quen thuộc đã có phương pháp giải, thậm chí đều là các dạng quen thuộc mà các trường trung học phổ thông cho học sinh thi thử nhiều lần như: min-max hàm hợp, thể tích khối chóp, tìm số phức thỏa mãn điều kiện cho trước. Các câu hỏi vận dụng cao có độ khó và tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh cần vận dụng nhiều kiến thức trong chuyên đề, các kiến thức liên chuyên đề.

Ở bài thi tổ hợp khoa học xã hội, mức độ khó có phần gia tăng so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 do việc tăng độ nhiễu trong các đáp án ở một số câu hỏi. Mức độ câu hỏi nhận biết thông hiểu chiếm khoảng 70-75% tổng số câu, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp. Các câu hỏi chủ yếu nằm trong nội dung sách giáo khoa, nội dung rõ ràng không lắt léo. Số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm 25-30%. Các câu hỏi này sẽ giúp phân loại thí sinh, là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng sư phạm thuận lợi hơn trong xét tuyển.

Ở bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, đề minh họa có 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Môn ngữ văn: Đề minh họa tạo cảm giác an toàn

Ở môn ngữ văn, theo tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết, nhìn chung đề minh họa không thay đổi so với đề thi năm 2020 với hai phần đọc hiểu (3 điểm); phần làm văn (7 điểm) gồm hai câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Trong đó, phần đọc hiểu là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa với 4 câu hỏi không khó và là phần dễ kiếm điểm cho thí sinh.

[Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT]

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn không đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của ngữ liệu và đó cũng là những kỹ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học trung học phổ thông. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp trung học phổ thông đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…

Đánh giá tổng thể về đề thi môn ngữ văn, cô Tuyết cho rằng nếu đề minh họa phản ánh đúng tinh thần của đề chính thức thì sẽ mang lại cảm giác an toàn, yên tâm cho học sinh và giáo viên dù ít chờ đợi sự mới mẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục