Chiều 21/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo Đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây càphê, vấn đề thể chế và kỹ thuật.
Mục đích của hội thảo là tăng cường năng lực về quản lý rủi ro trong nông nghiệp cho cây càphê thông qua bảo hiểm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công, tư tại Việt Nam.
Hội thảo cũng là cơ hội để các bên thảo luận, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm, đồng thời là dịp giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách về bảo hiểm nông nghiệp cho cây càphê nhằm góp phần thành công cho công tác hoạch định và thực thi chính sách bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất có 14 mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây càphê như: mục tiêu bảo hiểm, rủi ro, địa bàn, quyền lợi, năng suất, phạm vi, giá trị, thời kỳ bảo hiểm…
Theo đề xuất của ông Trần Công Thắng, trước mắt triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho cây càphê ở hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, nơi hai địa phương có diện tích càphê nhiều nhất cả nước về rủi ro bảo hiểm gồm: hạn hán, mưa sớm, mưa lớn gây lũ, mưa đá nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho các nông hộ sản xuất càphê trên địa bàn.
Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến nhất là phí bảo hiểm, số tiền đề bù, giá trị chịu rủi ro được tính bằng năng suất bình quân trong 5 năm gần nhất, mức độ của phạm vi bảo hiểm được xác định sau khi phân tích rủi ro dựa trên số liệu thời tiết và năng suất để đảm bảo khả năng chi trả cho các nông hộ.
Các nông hộ sản xuất càphê có thể chọn mức phạm vi bảo hiểm khác nhau như 100%, 90%, 80% hay thấp hơn phụ thuộc vào nhu cầu quản trị rủi ro và khả năng chi trả. Mức phạm vi bảo hiểm càng cao thì phí bảo hiểm càng cao…
Hiện nay, cả nước có 641.700 ha càphê và là một trong những ngành hàng nông nghiệp sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu càphê đã đạt trên 3,55 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh càphê cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như bão lũ, hạn hán, sương giá, dịch bệnh, biến động về giá… cần được khắc phục để hướng đến một ngành sản xuất càphê bền vững./.