Chỉ trong vòng một thời gian ngắn có tới 225 nhà gỗ phục vụ nghỉ dưỡng của khách du lịch được dựng trái phép trên đất quốc phòng đã khiến cho công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, tạo ra những hệ lụy khác về môi trường, an ninh quốc phòng ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
Du lịch phát triển, nhà vườn bằng gỗ ven biển nở rộ
Những năm gần đây, Cô Tô trở thành điểm đến lý tưởng đối với đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt từ tháng 10/2013, Cô Tô có điện lưới quốc gia. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được cải thiện. Hệ thống giao thông đường bộ nội đảo được đầu tư, nâng cấp.
Giao thông đường thủy vận chuyển hành khách ra đảo đang dần được bổ sung và thay thế bằng tàu cao tốc có sức chở lớn, thời gian hành trình rút ngắn được 2/3 thời gian.
[Đảo Cô Tô là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá vẻ hoang sơ]
Nếu như năm 2010, tổng lượng khách du lịch đến Cô Tô chỉ đạt 5.000 lượt, đến năm 2016 đạt 300.000 lượt, tăng 166,7% so với cùng kỳ, trong đó có tới 676 lượt khách nước ngoài. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 400 tỷ đồng, gần bằng tổng doanh thu 5 năm trước cộng lại.
Xuất phát từ việc du khách tăng mạnh, Hội đồng Nhân dân huyện Cô Tô đã ban hành Nghị quyết về việc khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa việc đầu tư các công trình hoạt động dịch vụ du lịch theo hình thức xây dựng các công trình tạm thời bằng hình thức lắp ghép đúng thiết kế của cơ quan có thẩm quyền, tháo lắp thuận tiện và có thể di dời, cam kết bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết, từ năm 2013, huyện chỉ có chủ trương cho người dân lắp ghép nhà gỗ tạm từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm (mùa du lịch của Cô Tô), sau thời gian này phải di dời.
Có chủ trương của huyện, người dân bắt đầu làm nhà vườn bằng gỗ ở khu vực bãi biển Hồng Vàn, xã Đồng Tiến. Nhiều nhiều gia đình còn đầu tư nhà gỗ di động có thể kéo ra biển như toa xe, rất tiện lợi cho du khách với giá thuê từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/nhà vào mùa cao điểm, có đầy đủ ti vi, tủ lạnh, máy lạnh.
Trong 2 năm 2013-2014, khu vực này có 22 hộ đầu tư lắp đặt hệ thống nhà vườn bằng gỗ để kinh doanh phòng nghỉ, nhà hàng, bán nước giải khát.
Đến nay, số lượng nhà vườn gỗ lên tới 225 chiếc ở khắp bãi biển Hồng Vàn trên nền diện tích đất 42ha đất quốc phòng và đất của huyện quản lý khiến bộ mặt toàn bộ bãi biển hoang sơ bị biến dạng, trở nên nhếch nhác và kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng ở đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Quyết di dời
Trong chuyến công tác đầu tháng 8 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh đến 30/9, nếu không giải quyết tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng tại bãi biển Hồng Vàn, Lữ đoàn 242 phải chịu trách nhiệm.
Nếu đơn vị không xử lý dứt điểm tình trạng này, tỉnh sẽ báo cáo Quân khu 3, Bộ Quốc phòng và sẽ có biện pháp thu hồi. Các hộ kinh doanh không chủ động tháo dỡ sẽ có biện pháp cưỡng chế, thu hồi trả lại đất cho quốc phòng.
Hiện dọc bãi biển Hồng Vàn có 36 hộ xây dựng trái phép với 225 nhà gỗ, trong đó có 29 hộ đầu tư xây dựng nhà gỗ tạm thời để cho khách du lịch thuê nghỉ, còn lại là các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tổng diện tích các hộ dân lấn chiếm để xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trái phép là 42ha, diện tích đất này đều do Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô thuộc Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) quản lý.
Các nhà gỗ làm bằng vật liệu thô sơ như gỗ, tre, nứa dễ xảy ra cháy nổ. Đặc biệt, đây là khu vực đất quốc phòng nên việc lấn chiếm, xây dựng trái phép đất quốc phòng là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Hoàng Bá Nam khẳng định nếu sau ngày 30/9, các hộ dân không tháo dỡ các nhà gỗ xây dựng trái phép, huyện sẽ tiến hành đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh và thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh tại bãi biển Hồng Vàn trên khu vực đất quốc phòng.
Tuy nhiên, huyện sẽ có chế độ, chính sách ưu tiên cho các hộ dân đang kinh doanh tại bãi biển Hồng Vàn khi có nhu cầu chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết: Trước đây, huyện chỉ khuyến khích người dân lắp ghép nhà tạm thời dễ tháo dỡ và khai thác từ tháng 4 đến tháng 9.
Gần đây, các hộ dân đầu tư theo hướng kiên cố như đế trụ bê tông cốt thép, lắp ghép bằng khung thép.
Ông Vũ thừa nhận việc lưu trú ở các nhà vườn này chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
Hơn nữa, hiện nay, Cô Tô đã có khoảng 200 cơ sở lưu trú với hơn 3.000 phòng cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách, mô hình này không còn được khuyến khích và có chủ trương dừng hẳn từ năm 2015.
Có chính sách hỗ trợ người dân
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết, ngoài việc vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình nhà vườn gỗ ở bãi biển Hồng Vàn, huyện đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân di dời như những người đầu tư nhà vườn được ưu tiên kinh doanh tại chợ Trung tâm sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng; xúc tiến mở rộng thêm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm như câu mực, câu cá, làm nghề thủ công mỹ nghệ, lặn biển ngắm san hô…
Đồng thời, huyện tổ chức đào tạo nghề để các hộ dân có đủ điều kiện khai thác những sản phẩm du lịch trải nghiệm; hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho việc tháo dỡ, di dời công trình nhà vườn...
Đối với các hộ có nhà, đất hợp pháp, huyện khuyến khích vận động di dời công trình về để tiếp tục kinh doanh dịch vụ lưu trú và tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật.
Dù sớm phát hiện ra bất cập và có động thái chấn chỉnh mô hình nhà vườn xây dựng trái phép ở bãi biển Hồng Vàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô cũng thẳn thắn nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương đã chưa thực sự làm tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn./.