Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu ngày 17/3

Italy tiếp tục là "ổ dịch" lớn nhất nằm ngoài Trung Quốc đại lục khi đến thời điểm này đã ghi nhận 31.506 người mắc bệnh COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 12/3/2020. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 12/3/2020. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao tại châu Âu khiến tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch.

Sau cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU, các nước thành viên tuyên bố "tất cả đồng ý áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào EU, trừ một vài ngoại lệ nhỏ." Các ngoại lệ phải liên quan đến công dân nước ngoài EU có quyền cư trú dài hạn tại một quốc gia thành viên. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp - ví dụ để dự tang lễ hoặc phiên tòa - sẽ phải được cấp phép.

Trong cuộc họp báo với Chủ tịch Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định triển khai của từng quốc gia thành viên.

[Liên minh châu Âu nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày]

Cùng với đó, EU thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Điều này cũng áp dụng cho việc vận chuyển trang thiết bị y tế. EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên.

Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch.

Sau Italy, Tây Ban Nha, và Pháp, kể từ trưa 18/3, đến lượt Bỉ tiến hành phong tỏa toàn quốc, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được đề nghị ở nhà.

Italy tiếp tục là "ổ dịch" lớn nhất nằm ngoài Trung Quốc đại lục khi đến thời điểm này đã ghi nhận 31.506 người mắc bệnh COVID-19.

Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 345 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 2.503 người. Vùng tâm dịch Lombardy ghi nhận thêm 1.571 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 16.220 người. Tổng số ca tử vong của vùng là 1.640 trường hợp, tăng 220 trường hợp.

Tại Tây Ban Nha, số người nhiễm đã lên tới 11.826 người và số ca tử vong là 533 người (tăng 191 người). Tình hình lây lan dịch bệnh cũng đang rất nghiêm trọng tại Đức với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 9.367 và 26.

Tại Pháp, tính đến tối 17/3, virus SARS-CoV-2 đã khiến 175 người tử vong tại Pháp, 7% trong số đó dưới 65 tuổi. Trong 24 giờ qua, Pháp xác nhận 1.067 trường hợp nhiễm mới, đưa tổng số bệnh nhân lên 7.730 người. Hiện nay, 2.579 bệnh nhân đang nhập viện, trong đó 699 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.

Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, Hội đồng Liên bang (cơ quan hành pháp) của nước này đã khuyến cáo người dân nước này ở nhà để phòng dịch trong bối cảnh đất nước được mệnh danh là "trái tim" của châu Âu này trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh COVID-19, với số ca nhiễm mới là 389 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm đến thời điểm này lên tới 2.742 người, số người tử vong tăng 8 trường hợp, lên 27 người.

Tại Bỉ, tính đến hết ngày 17/3, tổng số người nhiễm COVID-19 là 1243, số người tử vong là 10 và có 14 người khỏi bệnh, Hội đồng An ninh Quốc gia Vương quốc Bỉ đã ra quyết định phong tỏa toàn quốc kể từ 12h trưa 18/3 tới ngày 5/4.

Bộ Y tế Anh cũng thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong vòng 24 giờ qua đã tăng 26%, từ 1.543 người lên thành 1.950 người. Chính phủ Anh nêu rõ: "Tính tới 9h00 sáng 17/3/2020, có 50.442 người đã được xét nghiệm tại Vương quốc Anh, trong đó có 48.492 ca xác nhận âm tính và 1.950 trường hợp được xác nhận là dương tính". Cho tới nay, đã có 56 ca tử vong do COVID-19 tại Anh.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do dịch bệnh COVID-19, trong khi số ca nhiễm virus tại nước này tăng lên thành 98 người. Chính quyền Ankara đã thông báo một loạt các biện pháp phòng ngừa nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, bao gồm hạn chế đi lại tới 20 quốc gia cũng như đóng cửa trường học và đại học.

Cùng ngày, Hội đồng Bộ trưởng Bosnia và Herzegovina đã công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và thành lập Ủy ban điều phối chung các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 giữa hai thực thể tự trị là Liên bang Bosnia và Herzegovina và Cộng hòa Srpska. Bosnia và Herzegovina đã cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ Trung Quốc (Vũ Hán), Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran, Pháp, Rumania, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Bỉ. Quyết định này không áp dụng đối với viên chức ngoại giao và lãnh sự thường trú tại Bosnia và Herzegovina.

Tất cả hành khách, kể cả công dân Bosnia và Herzegovina, từ nước ngoài vào phải cách ly tại nhà 14 ngày. Bosnia và Herzegovina ghi nhận ca dương tính với COVID-19 đầu tiên ngày 5/3/2020, đến nay đã có 26 trường hợp dương tính, trong đó 2 người đã khỏi bệnh.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của nước này cho biết trong ngày 17/3 đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 15 tỉnh thành nước này. Theo thông cáo của cơ quan trên, các trường hợp lây nhiễm mới đã được ghi nhận tại thành phố Moskva, các tỉnh Moskva, Samara, Kaliningrad, Tver, Tambov, Kaluga, Nizhny Novgorod, Penza, Sverdlovsk, Arkhangelsk và Yaroslavl.

Ngoài ra, bệnh nhân nhân mắc COVID-19 cũng đã được xác định tại tỉnh Krasnoyarsk, Cộng hòa Tatarstan và Cộng hòa Khakassia. Tất cả bệnh nhân đã được cách ly trong phòng kín. Chính quyền cũng đã xác định rõ những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân này, họ đang được kiểm tra.

Tại Moskva trong ngày 17/3 đã nghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới. Như vậy số bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới tại Nga tính đến ngày 17/3 là 114 người. Trong số này, chỉ 10 người bị nhiễm bệnh mà không rời khỏi Nga. Cho đến nay, 5 bệnh nhân ở Nga đã hồi phục gồm 2 công dân Trung Quốc, 2 công dân Nga và 1 công dân Italy.

Cũng trong ngày 17/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) dự kiến vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đang được phát triển ở châu Âu, sẽ được tung ra thị trường vào mùa Thu tới.

Trên trang Twitter cá nhân, bà Ursula von der Leyen cho biết đã trao đổi với lãnh đạo một công ty sáng chế ở châu Âu, nơi đang nghiên cứu một công nghệ đầy hứa hẹn để phát triển vaccine chống lại virus SARS-CoV-2. EU tài trợ cho công ty này tới 80 triệu euro và bà Von der Leyen hy vọng rằng với sự hỗ trợ này, vaccine có thể có mặt trên thị trường vào trước mùa Thu. Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng loại vaccine này "có thể cứu sống châu Âu và cả phần còn lại của thế giới".

Hồi tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Sau khi Trung Quốc được cho là vượt qua đỉnh điểm của dịch bệnh, châu Âu hiện đang trở thành tâm điểm toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục