Đổi mới tài chính, giá đất: Tăng minh bạch quản lý, hiệu quả nguồn thu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc bỏ khung giá đất là để xác định nghĩa vụ tài chính của người dân hằng năm cũng như hạn chế tối đa các tranh chấp, minh bạch quản lý, công bằng nguồn lợi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước lo ngại của người dân về việc nếu “bỏ khung giá đất, xác định giá đất sát giá thị trường,” nghĩa vụ đóng thuế hằng năm của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định nỗi lo của người dân là có sơ sở. Vì thế, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ và có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Hạn chế xung đột, đảm bảo nghĩa vụ tài chính

Nói về quy định trên, ông Thọ cho biết bỏ khung giá đất là chủ trương được đưa ra tại Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022. Vì thế, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bỏ quy định về khung giá đất và giao toàn quyền tự chủ cho các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất.

Đi kèm với đó, trong quy định của dự thảo luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra các phương pháp để các địa phương có thể thực hiện được việc xây dựng bảng giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Với hướng “mở” theo nguyên tắc thị trường này, việc mua bán như thế nào là do người mua - người bán quyết định và giá đất được giao dịch như thế nào cũng do bản thân người mua và người bán quyết định.

Đối với những địa phương có bản đồ, cơ sở dữ liệu bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu về giá đất, có thể được xây dựng bảng giá đất theo phương pháp định giá đất căn cứ vùng giá trị và thửa đất chuẩn dựa trên cơ sở so sánh tình hình mua bán trực tiếp trên thị trường để xác định các thửa đất có giá trị tương đồng.

[Xử nghiêm các trường hợp san ủi đồi, lấp hồ ao để phân lô bán nền]

Theo ông Thọ, mục tiêu của chính sách trên không phải là xây dựng giá đất sát với giá thị trường mà là xác định nghĩa vụ tài chính của người dân hằng năm cũng như hạn chế tối đa xung đột, các tranh chấp giữa Nhà nước với người dân trong việc xác định mức giá để tính nghĩa vụ tài chính của người dân; qua đó tăng minh bạch quản lý, công bằng nguồn lợi, hiệu quả nguồn thu và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy vậy, ông Thọ cũng lưu ý tới việc nhiều người lo lắng nếu xác định giá đất sát giá thị trường thì nghĩa vụ đóng thuế hằng năm của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên là hoàn toàn có cơ sở. Vì thế, khi xây dựng khung giá đất và bảng giá đất trước đây, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ việc xác định mức giá như thế nào để nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp tăng không quá cao.

Đổi mới tài chính, giá đất: Tăng minh bạch quản lý, hiệu quả nguồn thu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Ông Thọ cho biết ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc xác định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính của người dân ở mức 60-70 % của giá của thị trường. Do đó, trong quy định của dự thảo Luật lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tìm cách để làm thế nào giải quyết được hài hòa các mối quan hệ.

Giá đất bồi thường không theo bảng giá đất

Ông Thọ cho rằng với mỗi công cụ chính sách chỉ có thể đạt được một mục tiêu. Một là chúng ta xây dựng giá đất phù hợp với giá thị trường. Thứ hai là đảm bảo được nghĩa vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp hằng năm không quá lớn để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội.

“Do đó, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tìm cách, đưa ra quy định việc xác định nghĩa vụ tài chính của người dân sẽ do ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định và phải ổn định trong vòng 5 năm đồng thời không cao quá 20% so với kỳ trước,” ông Thọ nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết trong việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất rõ: “Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể, không thực hiện theo bảng giá đất và khung giá đất.”

Theo đó, các địa phương có thể áp dụng phương pháp định giá đất dựa trên cơ sở lấy bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất và hệ số K khi ban hành cho từng thửa đất. Chính vì thế, có những nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, giá bồi thường có thể gấp 20, 30 lần so với bảng giá đất.

“Vì vậy, nếu dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định bỏ khung giá đất và nếu bảng giá đất tăng lên phù hợp với giá thị trường cũng sẽ không đẩy giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên. Lý do là từ trước đến nay giá bồi thường đã được xây dựng đúng theo giá thị trường,” ông Thọ nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục