Đối ngoại của Đức: Giữa chủ nghĩa đa phương và nước Đức trên hết

Ba mươi năm sau khi thống nhất, Đức vẫn loay hoay tìm kiếm một chiến lược và các mâu thuẫn được phản ánh trong các mối quan hệ mà nước này duy trì với từng cường quốc trong tam giác Mỹ-Trung-Nga.
Đối ngoại của Đức: Giữa chủ nghĩa đa phương và nước Đức trên hết ảnh 1(Nguồn: dw.de)

Theo Tạp chí Chính sách đối ngoại Pháp, theo các diễn văn cam kết phục vụ trật tự đa phương, Đức đang đưa ra một chính sách dường như chủ yếu được cấu trúc bởi lợi ích quốc gia của mình.

Cho dù là cung ứng năng lượng bên cạnh Nga, xuất khẩu sang Trung Quốc, thặng dư thương mại với Mỹ hoặc châu Âu, dường như Berlin vẫn chưa thể hiện được hình ảnh mà họ muốn xây dựng như một cường quốc được dẫn dắt bởi các quy tắc.

Năm 2010, Đức bị chỉ trích vì thái độ “ít hợp tác” trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Năm 2011, Đức bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an về hành động can thiệp vào Libya.

Năm 2013, sau khi Thủ tướng không ủng hộ sự can thiệp của Mỹ ở Syria, cuối cùng Đức đã triệt để xem lại chính sách đối ngoại của mình. Năm 2014, chính sách “Đồng thuận Munich” đã cho thấy Đức mong muốn đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trên trường quốc tế.

Tháng 2/2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định tại Hội nghị An ninh Munich rằng Đức đã sẵn sàng đảm nhận “vai trò lãnh đạo từ Trung tâm” và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier, cùng tháng đó tại Washington, đã gọi Đức là “Giám đốc điều hành” (Chief Facilitating Officer) như khẳng định vai trò trung tâm ở châu Âu.

Tuy nhiên, ba mươi năm sau khi thống nhất, Đức vẫn loay hoay tìm kiếm một chiến lược và các mâu thuẫn được phản ánh trong các mối quan hệ mà nước này duy trì với từng cường quốc trong tam giác Mỹ-Trung-Nga, vốn chi phối quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI.

Quan hệ Đức-Nga phản ánh mâu thuẫn của Đức

Với Nga, Đức dường như hoàn thành tốt vai trò của mình, vừa là một nhân tố cam kết về mặt chính trị, chủ nghĩa đa phương và cũng thể hiện được tư cách “giám đốc điều hành.”

Đồng thời, thất bại trong chính sách của Berlin đối với Nga và các vấn đề mà dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đặt ra đã minh chứng cho những giới hạn trong cách tiếp cận của Đức. Đối mặt với Điện Kremlin, các lãnh đạo như Helmut Kohl và Gerhard Schröder hay bà Angela Merkel đều đặt cược vào công thức trong chính sách Ost-politik của cựu Thủ tướng Willy Brandt.

Khái niệm “thay đổi thông qua xích lại gần nhau” (Wandel durch Annäherung) đã đổi thành “thay đổi thông qua phụ thuộc lẫn nhau về thương mại” (Wandel durch Handel).

Nga sẽ chuyển mình thành một nền dân chủ tự do hơn ít nhiều nhờ vào giao thương và các mạng lưới xuyên quốc gia. Nhờ hiệu ứng lan tỏa, Đức có nguồn cung ứng nguyên liệu thô và năng lượng từ Nga và đáp ứng nhu cầu của Nga về máy móc và thành phẩm “Made in Germany” (sản xuất tại Đức), quan hệ đối tác kinh tế sẽ tác động đến một nước Nga đi theo các nước Trung Âu bằng nhịp độ riêng của mình.

[Thời kỳ mới cho quan hệ đối tác tự nhiên giữa Đức và Mỹ]

Trong năm 2013, khoảng 33-40% lượng hydrocarbon mà Đức nhập khẩu có nguồn cung ứng từ Nga, trong khi Nga thu hút khoảng 20 tỷ euro (23,5 tỷ USD) đầu tư và hơn 6.000 công ty từ Đức.

Thêm vào đó là quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố của hai nước, hoạt động của các tổ chức chính trị Đức ở Nga, các cấu trúc chính trị cấp cao như Đối thoại Petersburg. Có thể hiểu được Đức thực sự mong muốn một "quan hệ đối tác chiến lược" với Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014 đã tạo ra một lực cản nghiêm trọng cho dự án này. Tuy vậy, trong giai đoạn 2014-2015, Đức, Pháp và Anh đã nhất trí với cách tiếp cận dựa trên trục đối thoại, nhưng không loại trừ các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc các biện pháp cưỡng chế khác, song cũng loại trừ bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào cho Kiev.

Đồng thời, với việc thường xuyên tham khảo ý kiến các quốc gia “nhỏ” trong Liên minh châu Âu (EU), Berlin đã tự khẳng định mình là một trong những nhân tố chính giải quyết khủng hoảng tại Hội đồng châu Âu.

Một tư thế tương ứng với hình ảnh một “nước Đức lãnh đạo từ Trung tâm,” phù hợp với tính chất chặt chẽ của mối quan hệ Đức-Nga thời điểm đó.

Các cuộc đàm phán theo "định dạng Normandy" giữa các quan chức Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã dẫn đến các thỏa thuận Minsk I và II vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Về cơ bản, các thỏa thuận này đưa ra một lệnh ngừng bắn, được tôn trọng dưới sự bảo trợ của các quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Với tư cách là đối tác kinh tế chủ chốt của Nga, nếu Đức có thể tự hào vì đã “đảm nhận trách nhiệm” đồng thời “hy sinh” lợi ích của mình (các lệnh trừng phạt được EU thông qua tháng 9/2014 để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea và nhằm trực tiếp vào các trao đổi thương mại với Nga ảnh hưởng đến thương mại Đức-Nga), thì người ta lại băn khoăn về phạm vi trung và dài hạn của chiến lược này.

Sự “hy sinh” các lợi ích kinh tế của Đức trên thực tế cũng không nhiều: Chỉ có 3,2% giá trị xuất khẩu của Đức đến Nga trong năm 2013 và các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến nhập khẩu dầu khí từ nước này.

Năm 2021, các biện pháp trừng phạt này liên quan đến 177 người và 48 thực thể - vốn là những đối tượng sẽ bị đóng băng tài sản ở nước ngoài và cấm nhập cảnh vào EU vì đã “xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.”

Chính sách trừng phạt và sự cứng rắn đối với Moskva cũng là chủ đề bị chỉ trích kịch liệt ở Đức, nơi nhiều thành phần chính trị và kinh tế mong muốn kết nối lại với Điện Kremlin.

Xu hướng “Russlandversteher”(những người hiểu Nga) này gần như vượt qua toàn bộ bối cảnh chính trị tại Đức: chiếm đa số trong đảng Die Linke (Cánh tả) và AfD (Lựa chọn vì nước Đức), cũng như trong CSU (Liên minh Xã hội-Cơ Đốc giáo, chi nhánh Bavaria của Liên minh Dân chủ-Cơ Đốc giáo CDU), rộng rãi hơn trong SPD (đảng Xã hội Dân chủ Đức) và những người theo chủ nghĩa tự do của FDP (đảng Tự do Dân chủ).

Chỉ có những người của đảng Xanh tỏ thái độ kịch liệt đối với Moskva (đồng Chủ tịch Robert Habeck của đảng này đã đi xa hơn khi gián tiếp chủ trương chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine).

Các thành viên Russlandversteher, vốn đông đảo ở miền Đông hơn miền Tây đã chỉ trích các hình ảnh bài Nga mà giới truyền thông truyền tải, đồng thời phê phán giới chức trách đã không tính đến lợi ích với Nga.

Họ kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt và trở lại đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và ủng hộ chính sách “hòa bình và hữu nghị” với Kremlin. Lập luận có ảnh hưởng rộng khắp nước Đức về cơ bản dựa trên suy nghĩ rằng phương Tây đã khước từ bàn tay chìa ra của người Nga thay vì cân nhắc nghiêm túc các lợi ích của họ.

Sự chỉ trích này có thể được coi là thái quá nếu xét danh sách rất dài các đề xuất quan hệ đối tác mà EU đã đưa ra về liên kết Nga với không gian kinh tế châu Âu.

Sai lầm của Đức là nghĩ rằng chỉ cần hợp tác với EU là đủ để mở ra triển vọng hiện đại hóa cho Nga (một ý tưởng mà cựu Tổng thống Dmitry Medvedev có vẻ nhạy cảm trong khoảng thời gian từ năm 2008-2012), sau đó Nga sẽ chuyển đổi thành nhà nước pháp quyền kiểu phương Tây.

Ảo tưởng này khiến các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu nghi ngờ khả năng Đức hiểu được “bản chất thực sự” của mối đe dọa từ Nga và do đó có trách nhiệm đối phó với Moskva “nhân danh châu Âu.”

Tuy nhiên, thay đổi Nga theo cách trên lại là một khát vọng điển hình của Đức mà lãnh đạo các nước Baltic, Ba Lan và Czech luôn phản đối kịch liệt.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của bà Merkel thể hiện sự thỏa hiệp giữa mong muốn đối thoại của Russlandversteher và sự cứng rắn của những người theo quan điểm “diều hâu” như Norbert Röttgen trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).

Bà Merkel đã công khai tố cáo “chiến lược chiến tranh hỗn hợp” của Nga, các cuộc tấn công mạng (nhằm cả vào Bundestag - Quốc hội Liên bang), các chiến dịch bóp méo thông tin, có mối liên kết với phe cực hữu và các vụ giết người do cơ quan mật vụ Nga thực hiện trong không gian công cộng của Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tố cáo hành vi của Moskva và coi các cuộc tấn công của không quân Nga ở Syria là một "tội ác chiến tranh." Sự ủng hộ của Nga đối với chế độ Lukashenko ở Belarus chắc chắn dập tắt những hy vọng cuối cùng về một “quan hệ đối tác” Đức-Nga, nhưng điều này không ngăn cản việc duy trì đối thoại với Moskva.

Tuy nhiên, Berlin vẫn phản đối các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế hoặc chế độ Nga. Đây là lý do tại sao Cộng hòa Liên bang không từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bất chấp sự phản đối của các nước Trung Âu, Mỹ và thậm chí cả Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).

Được Tổng thống Liên bang Steinmeier coi là cây cầu gần như cuối cùng nối với Nga, sự ủng hộ của Berlin với Dòng chảy phương Bắc 2 cho thấy những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Đức.

Đối diện đường ống dẫn khí đốt mới, Berlin đã chọn cách tiếp cận kinh tế và kỹ thuật. Vì vậy, Dòng chảy phương Bắc 2 được giới thiệu như một dự án thương mại thuần túy mà Chính phủ Đức sẽ không cần phải phát ngôn ngay cả khi không giấu giếm sự ủng hộ của mình.

Do vậy Đức có lập trường chính thức tách bạch các cân nhắc về thương mại và chính trị, coi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không phải là vấn đề an ninh mà là biểu hiện của một cuộc chơi quân bình đơn giản giữa “nhà cung cấp” và “khách hàng.”

Bằng cách nương theo logic kinh tế thuần túy, Berlin đã tránh phải nêu ra những rủi ro và hậu quả chính trị từ lựa chọn của mình. Ngoài ra, đường ống mới sẽ chỉ có ý nghĩa kinh tế nếu Đức và EU tăng nhập khẩu khí đốt của Nga.

Thế nhưng, công suất của các đường ống hiện có giữa Nga và châu Âu vẫn chưa được sử dụng hết. Nếu nhập khẩu không tăng, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ chỉ đóng vai trò địa chính trị, đó là bỏ qua Ukraine - quốc gia không chỉ mất đi thu nhập đáng kể mà cả vị thế của một quốc gia trung chuyển mang lại.

Nga càng phụ thuộc việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine bao nhiêu thì càng khó tăng cường cuộc chiến hỗn hợp ở đó bấy nhiêu. Nếu không còn sự phụ thuộc này, tình hình có thể thay đổi.

Việc chấp nhận một rủi ro như vậy - tức là chứng kiến Ukraine và các nước ở Trung-Đông Âu chịu tác động của chủ nghĩa song phương Đức-Nga - là không phù hợp với tầm nhìn của chính sách đối ngoại lấy trọng tâm là bảo vệ chủ nghĩa đa phương.

Trung Quốc - Đối tác, cạnh tranh hay đối thủ?

Quan hệ Đức-Trung cũng vấp phải những vấn đề tương tự như quan hệ giữa Berlin và Moskva. Đó là việc Đức bỏ qua khía cạnh địa chính trị của các mối quan hệ thương mại, và trong suốt thời gian dài, Berlin đã cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc.

Do đó, từ vỡ mộng đến thất vọng, tầm nhìn của Đức (và bà Angela Merkel) về Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong hai năm qua, ngay cả khi Berlin không chấp nhận ý tưởng về việc dần làm sáng tỏ quan hệ Đức-Trung mà nguyên do chủ yếu là vì kinh tế.

Bắc Kinh và Berlin đã xây dựng một mối quan hệ đối tác mà sự sâu sắc trong mười năm qua có thể được lý giải trước hết ở việc Trung Quốc tham gia xử lý khủng hoảng ở khu vực đồng euro (Bắc Kinh mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ châu Âu), và việc Đức muốn chuyển hướng xuất khẩu từ khu vực đồng euro sang Trung Quốc (khi nước này từng rất quan tâm đến sự ổn định của đồng euro so với đồng USD).

Theo thời gian, Đức đã trở thành nhà đối thoại chủ chốt của châu Âu với Trung Quốc, nơi là điểm đến chính của Thủ tướng Đức với nhóm tháp tùng gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức cấp cao.

Với 212,1 tỷ euro vào năm 2020, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đức chiếm tới hơn 1/3 (36%) tổng giá trị giao thương giữa các nước EU và Trung Quốc.

Từ năm 2016, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại chính của Đức. 7% giá trị xuất khẩu của nước này đến Trung Quốc, gấp đôi mức trung bình của các nước thành viên EU khác. Như vậy, trao đổi thương mại của Đức với Trung Quốc đạt mức tương đương với Ba Lan và Hungary cộng lại, nhưng có triển vọng phát triển hứa hẹn hơn nhiều.

Trên hết, sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc không chỉ do hàng xuất khẩu “Made in Germany” (Sản xuất tại Đức) mà còn bởi nhu cầu nguyên liệu thô rất lớn của Đức.

Nền kinh tế bên kia sông Rhine dựa trên nền tảng công nghiệp đảm bảo 23% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số hóa và tự chủ kỹ thuật số, khả năng khử carbon trong ngành công nghiệp và tương lai e-mobility (phương tiện di chuyển bằng điện) của Đức phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng nhiều các nguyên liệu thô quan trọng, trong đó nhiều loại tập trung ở Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc kiểm soát 97% trữ lượng gali cần cho sản xuất chất bán dẫn, cũng như 2/3 đất hiếm cần cho sản xuất e-mobility và lĩnh vực tin học. Đối với toàn bộ các nguyên liệu thô quan trọng như đất hiếm, vonfram, gali, antimon…, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu trên thế giới.

Ngay cả đối với các sản phẩm cơ bản, chẳng hạn cobalt, tuy không có năng lực sản xuất riêng, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong công nghiệp chế biến.

Sự phụ thuộc của Đức ở đây càng mạnh hơn do số quốc gia có thể cung cấp nguyên liệu thô rất ít. Ở góc độ này, Đức rất dễ bị tổn thương. Và thành công của chính sách thoát hạt nhân và than đá, cũng như giảm lượng khí thải CO2, phụ thuộc rất nhiều vào điều này.

Tuy nhiên, Đức không thể tỏ ra thờ ơ với những thách thức do Trung Quốc đặt ra. “Vụ Kuka” gây chấn động người Đức vào năm 2016 khi một tập đoàn Trung Quốc thâu tóm nhà sản xuất robot ở Đức.

Chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) của Trung Quốc đã khiến Berlin hiểu rằng Bắc Kinh đang tìm cách dẫn đầu thế giới về công nghệ tiên tiến, biến quan hệ đối tác kinh tế Đức-Trung thành cạnh tranh, thậm chí là kình địch.

Trước vấn đề tập đoàn công nghệ Huawei tham gia cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng viễn thông 5G mới, Thủ tướng Đức đã có động thái né tránh. Tại Hội nghị an ninh Munich năm 2019, bà tuyên bố không có ý ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc Trung Quốc, mà chỉ muốn quản lý theo cách tốt nhất có thể.

Bà cũng thừa nhận những nguy cơ đe dọa tự do cá nhân khi Trung Quốc sử dụng triệt để các công cụ của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, cũng trong năm 2019 và 2020, Berlin không có ý định gạt bỏ tập đoàn Huawei khỏi mạng 5G ở Đức.

Tình hình đã thay đổi vào năm 2021. Luật an ninh mạng mới được Bundestag thông qua tháng 4/2021 nhằm điều chỉnh các điều kiện quy định một nhà cung cấp viễn thông cung cấp các linh kiện được coi là “quan trọng” trong hệ thống mạng di động 5G ở Đức.

Chẳng hạn, việc sử dụng các linh kiện từ nhà cung cấp Trung Quốc Huawei có thể bị cản trở đáng kể. Tuy nhiên, Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng luật an ninh mạng không dành riêng cho Huawei, mà các quy tắc mới cũng sẽ được áp dụng bình đẳng đối với tất cả các nhà cung cấp khác.

Cuối cùng, việc tiếp cận thị trường 5G của Đức vẫn được rộng mở đối với Huawei tính đến thời điểm hiện tại, khác với những gì được thực hiện ở Pháp, Anh và Mỹ.

Dao động giữa chiến lược cứng rắn và duy trì quan hệ ưu tiên với Trung Quốc được phản ánh trong chính sách tổng thể của Đức đối với khu vực. Ngày 1/9/2020, Chính phủ liên bang đã thông qua Chỉ thị (Leitlinien) Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với một danh sách dài các sứ mệnh mà Đức dự định tham gia, từ kiểm soát vũ khí đến thực thi tôn trọng luật biển, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, viện trợ nhân đạo, chống cướp biển và khủng bố hoặc ngăn chặn xung đột...

Chỉ có điều để hỗ trợ các điều khoản trong văn kiện, hầu như không nguồn lực quân sự được nhắc đến. Thực tế, Đức mới chỉ điều động một chiến hạm (tàu khu trục nhỏ Bayern) và giữ khoảng cách xa khu vực biển có thể va chạm với tàu Trung Quốc.

Đức cũng hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến thỏa thuận bảo hộ đầu tư giữa EU và Trung Quốc, một văn bản được đàm phán trong 7 năm, trong khi Berlin muốn đạt được một thỏa thuận trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu năm 2020.

Thỏa thuận này có mục đích cho phép các công ty châu Âu tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và cũng tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng hơn. Đổi lại, Bắc Kinh phải cam kết tôn trọng quyền của người lao động bản địa. Văn bản dự kiến được phê chuẩn đầu năm 2021 song đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ và thực tế đến nay vẫn bị đóng băng.

Thực tế này tạo cảm giác thỏa thuận được ký kết chóng vánh để bà Angela Merkel chuyển giao cho chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu và tránh được những rủi ro khi khi xuất hiện các lệnh trừng phạt hoặc các cản trở nhằm vào các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc.

Hàn gắn liên kết xuyên Đại Tây Dương - nhiệm vụ bất khả thi?

Ưu tiên của liên kết xuyên Đại Tây Dương dường như luôn có ảnh hưởng lớn đối với nước Đức. Sách Trắng mới nhất của Chính phủ Liên bang (2016) nhắc lại: “Đoàn kết giữa các đồng minh là một phần làm nên lý trí của nước Đức. NATO rất cần thiết cho an ninh của châu Âu.”

Quan hệ Đức-Mỹ xấu đi không hoàn toàn là do cựu Tổng thống Donald Trump. Lập trường thất thường của ông chắc chắn đã làm đậm nét những bất đồng, nhưng những vấn đề trong quan hệ này đã xuất hiện trước đó.

Nếu bỏ qua những tranh cãi về khủng hoảng di cư, sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ đối với việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hay nỗ lực bảo vệ chủ nghĩa đa phương của Berlin trước Nhà Trắng đang mờ nhạt dần, thì những phàn nàn của ông Trump chủ yếu tập trung vào hai điểm chính.

Đó là tích lũy thặng dư thương mại và chi phí quân sự bị đánh giá quá ít của Đức. Đây cũng là những chỉ trích được nêu ra trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Thặng dư thương mại mà Đức đạt được so với Mỹ lên tới khoảng 50 tỷ euro mỗi năm trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump. Ngoài sự mất cân bằng này, câu hỏi chung về tích lũy thặng dư của Đức cũng được đặt ra.

Trong 15 năm qua, thặng dư này được đánh giá khoảng hơn 3.000 tỷ euro, vượt xa mức được coi là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế. Nhiều nhà quan sát nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Pháp, đang yêu cầu chính quyền Đức giảm bớt bằng cách tăng lương và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Nhưng cho đến nay, Chính phủ Đức vẫn từ chối bằng việc viện dẫn những ràng buộc của “quy tắc vàng” và nguyên tắc mua hàng của Đức, hoặc việc ưu tiên tiết kiệm hơn tiêu dùng là một lựa chọn cá nhân mà chính phủ không can thiệp được.

Thặng dư của quốc gia này nhất định sẽ khiến các quốc gia khác bị thâm hụt. Bằng việc bác bỏ những chỉ trích mà các chính sách của mình đã gây ra trong nhiều năm, Đức làm suy yếu độ tin cậy của các cam kết đối với một trật tự thế giới đa phương dựa trên các quy tắc.

Khu vực sử dụng đồng euro đã thường xuyên yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành điều tra khi một quốc gia thành viên có thặng dư thương mại hơn 6%, bởi thặng dư của Đức thường vượt quá 7-8% trong những năm gần đây.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã nhiều lần chỉ trích quyết liệt mức chi tiêu quân sự rất thấp của Đức. Kể từ khi thống nhất, trong hai thập kỷ chi tiêu quân sự của nước này liên tục sụt giảm, từ 3% xuống 1,2% GDP (tương đương 39,9 tỷ euro) vào năm 2014, thời điểm lần đầu tiên Mỹ buộc các đồng minh chấp nhận mục tiêu 2% GDP vào năm 2024.

Do vậy, Đức đã dành 52,8 tỷ euro cho chi phí quân sự năm 2020, tương đương 1,4% GDP, và mục tiêu là nâng lên 1,5% GDP vào năm 2024. Nhưng thực ra mức này vẫn nằm dưới ngưỡng được chấp nhận vào năm 2014 vốn cũng là chủ đề gây tranh cãi lúc bấy giờ.

Phép thử thực sự về độ tin cậy đối với chính sách quốc phòng của Đức là khả năng chu cấp cho các chương trình vũ trang của nước này và cung cấp đầy đủ lực lượng tác chiến cho NATO. Thách thức này không hề nhỏ. Quân đội Đức đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về tuyển quân, lòng trung thành và sự cấp tiến trong nội bộ, dẫn đến không thể đạt mục tiêu biên chế 185.000 binh sỹ. Tỷ lệ sẵn sàng cho các hoạt động cơ bản và triển khai là khoảng 75%.

Theo các báo cáo hàng năm của Ủy ban Quốc phòng của Bundestag, tỷ lệ sẵn sàng của các loại vũ khí cũng ở mức đáng lo ngại. Sự gia tăng ngân sách tương đối trong thời gian 2014-2020 đã không ngăn được sự xói mòn về khả năng sẵn sàng của các trang thiết bị quân sự, thấp hơn 70% trong lực lượng hải quân và không quân Đức, và càng thấp hơn đối với các trực thăng vận tải và chiến đấu, các tàu ngầm và tàu phóng ngư lôi.

Ngoài sự hạn chế về ngân sách, con người và năng lực là những bất đồng ngay trong Chính phủ Liên bang. Chính sách quốc phòng đã gây chia rẽ giữa một bên là Cánh hữu Dân chủ Cơ Đốc giáo/Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU-CSU), và bên còn lại là đảng Xanh và đặc biệt là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vốn rất gần quan điểm của đảng Cánh tả (Die Linke).

Điều này gây nghi ngờ nghiêm trọng đối với thiện chí của liên minh hiện tại trong mục tiêu dành chỉ 1,5% GDP cho chi phí quốc phòng mà bà Merkel đặt ra cho năm 2024.

Đối với Đức, tầm quan trọng của trật tự đa phương là điều không thể nghi ngờ. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của Berlin. Chính sách thương mại của Đức, vốn là trụ cột chính cho sức mạnh của nước này, vừa hướng đến quốc tế (xuất khẩu) vừa hướng đến lợi ích quốc gia (lợi nhuận).

Tại Mỹ và các nước EU, ấn tượng phổ biến là chính sách của Đức trước hết khai thác các cơ hội của toàn cầu hóa - với Nga để có năng lượng hoặc với Trung Quốc để xuất khẩu các sản phẩm cao cấp “Made in Germany.” Có tất cả mà không phải chia sẻ gánh nặng quốc phòng với phương Tây chính là sự tương ứng với khả năng tài chính của Đức.

Người Đức được coi là những tay lái tự do, muốn giảm tối đa chi tiêu quốc phòng, giảm thiểu mọi rủi ro trong các hoạt động ở nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và tiết kiệm phúc lợi xã hội.

Trong những điều kiện như vậy, vai trò của “Giám đốc điều hành” chỉ khơi dậy một sự nhiệt tình vừa phải nếu, không nói là ngờ vực, ở các đối tác của Berlin. Đức nên xem xét lại các định đề về chính sách thương mại, chính sách quốc phòng và chính sách đối ngoại của mình nếu muốn đảm nhận vai trò của một cường quốc đa phương thực sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục