Đồng Tháp nỗ lực xét nghiệm toàn tỉnh để tách F0 khỏi cộng đồng

Với phương châm “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” trong tất cả các mặt phòng, chống dịch COVID-19, Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm số lượng ca nhiễm mới từ ngày 5/9 còn dưới 50 ca/ngày.
Đồng Tháp nỗ lực xét nghiệm toàn tỉnh để tách F0 khỏi cộng đồng ảnh 1Đại diện các hộ gia đình ở phường 11, thành phố Cao Lãnh được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong sáng 28/8. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Đồng Tháp tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 5/9. Đây là đợt giãn cách xã hội thứ 4 để tỉnh phòng, chống dịch COVID-19.

Với phương châm “cao hơn một mức, nhanh hơn một bước” trong tất cả các mặt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm số lượng ca nhiễm mới, phấn đấu từ ngày 5/9 có dưới 50 ca mắc/ngày.

Tầm soát triệt để tách F0 ra khỏi cộng đồng

Để kịp thời phát hiện và tách F0 ra khỏi cộng đồng, làm cơ sở đánh giá hiện trạng địa phương, từ ngày 28/8-1/9, Đồng Tháp thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 quy mô toàn tỉnh bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp), bảo đảm 100% đại diện hộ gia đình ngoài cộng đồng được tầm soát SARS-CoV-2 trước ngày 5/9. Qua hai ngày triển khai, toàn tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm (đại diện hộ) cho 227.533 hộ, đạt 54%.

Tại thành phố Cao Lãnh, từ sáng 28/8, đồng loạt các xã, phường trên địa bàn thành phố thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Theo kế hoạch, trong đợt này, thành phố Cao Lãnh sẽ tầm soát cho hơn 41.000 dân trong bốn ngày, mỗi ngày lấy 1.031 mẫu (gộp 10) gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Trung tâm Y tế thành phố đã bố trí 3 Tổ thu gom mẫu và kết thúc trong buổi sáng để chuyển đến CDC Đồng Tháp.

Đồng Tháp nỗ lực xét nghiệm toàn tỉnh để tách F0 khỏi cộng đồng ảnh 2Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 trên toàn tỉnh đến hết ngày 5/9. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Qua giám sát thực tế, Giám đốc CDC Đồng Tháp Trần Văn Hai đánh giá, ngoài việc triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, chủ động, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, địa phương đảm bảo nguyên tắc hạn chế việc tập trung đông người, bảo đảm giữ khoảng cách tiếp xúc giữa những người đến lấy mẫu.

[Thêm 12.796 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM và Bình Dương có 10.371 ca]

Mặt khác, thành phố Cao Lãnh còn có sáng kiến là mô hình lấy mẫu “di động” trên xe tải nhỏ vừa chuyên chở các thiết bị, vật tư y tế, 2 cán bộ nhập liệu và 3 cán bộ lấy mẫu.

Việc xe di chuyển đến từng nhà và từng người trong nhà lần lượt được lấy mẫu đảm bảo sự an toàn, tiện lợi và đẩy nhanh tiến độ do phù hợp lưu thông trên tuyến đường giao thông có mật độ dân cư cao.

Qua đó, góp phần hạn chế người dân di chuyển, tập trung đông người, giảm nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm chéo - Giám đốc CDC cho biết.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000-7.500 mẫu gộp. Đây là số lượng mẫu cao, tạo ra áp lực lớn đối với năng lực xét nghiệm các đơn vị y tế thực hiện.

Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động trong công tác lấy mẫu, mặt khác ngành y tế chuyên môn có hướng dẫn cụ thể việc tầm soát tại từng địa phương.

Riêng Tổ điều phối xét nghiệm căn cứ vào số lượng mẫu kế hoạch và thực tế thực hiện hằng ngày, điều tiết số mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phù hợp, bảo đảm đúng quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc bố trí, tổ chức các khu vực lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, thông báo kết quả xét nghiệm; khẩn trương mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế đáp ứng cho công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng; chủ động bố trí nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế trong thời gian thực hiện tầm soát diện rộng lần này.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố thành lập các đội lấy mẫu để thực hiện công tác lấy mẫu theo đúng quy định; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các đội lấy mẫu tổng hợp số lượng đã hoàn chỉnh, gửi về các cơ sở xét nghiệm theo sự phân bổ của Tổ điều phối xét nghiệm-Tiểu ban xét nhiệm, hạn chế tối đa việc lưu mẫu và dồn, gửi vào cuối ngày. Lưu ý, trong thời gian thực hiện tầm soát diện rộng lần 2, địa phương vẫn thực hiện song song công tác sàng lọc các ca nghi nhiễm tại khu vực phong tỏa, khu vực có nguy cơ cao.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, quan trọng nhất là xét nghiệm đúng-trúng-đủ đối tượng, đảm bảo 100% đại diện hộ gia đình, đặc biệt là trong khu phong tỏa, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng.

“Giao trách nhiệm cho các địa phương cấp xã, nếu một khu phong tỏa yêu cầu xét nghiệm 100% dân để đảm bảo theo quy định, mà đến khi phát hiện ra còn F0, mà F0 đó vẫn còn xuất hiện từ nguồn đối tượng bị sót không được tầm soát thì quy trách nhiệm đối với địa phương.”

Đồng Tháp hiện có 12 hệ thống xét nghiệm RT-PCR, có thể thực hiện khoảng 5.000-6.500 mẫu đơn/ngày, tương đương khoảng 50.000-60.000 mẫu gộp/ngày (gộp 10 mẫu).

Kiểm soát chặt bên trong khu cách ly, phong tỏa

Đồng Tháp đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh giai đoạn 4. Đến làm việc tại Đồng Tháp ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tuy số ca F0 trong cộng đồng có giảm, nhưng các trường hợp mắc COVID-19 trong các khu cách ly và khu phong toả lại chiếm tỷ lệ cao.

Đồng Tháp nỗ lực xét nghiệm toàn tỉnh để tách F0 khỏi cộng đồng ảnh 3Chính quyền thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thực hiện các rào chắn "cứng" tại một số tuyến đường và kiểm soát chặt việc người dân ra đường khi không thật sự cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Khi phát hiện ca mắc cần phong tỏa diện hẹp và chú ý yếu tố mang tính chất quyết định, hiệu quả là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc “chặt trong và chặt cả ngoài”, người cách ly người, nhà cách ly nhà.

Để đảm bảo làm tốt việc này cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và phát huy vai trò giám sát của các Tổ COVID-19 cộng đồng, giao các tổ chức chính trị-xã hội phụ trách từng khóm/ấp, ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị.

Liên quan đến việc số lượng F1 chuyển thành F0 chiếm tỷ lệ cao, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cần rà soát lại thành phần, số lượng của ban quản lý từng khu cách ly, phải ban hành quy chế hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát ít nhất 5 lần/ngày để thực hiện nghiêm việc giãn cách tại các phòng; lưu ý xét nghiệm sàng lọc F1 vào các ngày thứ 1, 3, 7, 14 sau khi tiếp nhận cách ly.

Đặc biệt, phải chú ý đảm bảo nghiêm công tác phòng hộ cho người nuôi bệnh (F1) khi vào viện trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0 là người già, trẻ em).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tỉnh cần phân bổ, cân đối lại lực lượng y tế tại hai bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 là Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi. Y tế tỉnh cần thành lập ngay các ê-kíp điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các tầng phù hợp theo số lượng bệnh nhân và phải được tập huấn về chuyên môn để nâng cao năng lực; có hướng dẫn điều kiện chuyển tầng để đảm bảo điều trị có hiệu quả, riêng tầng điều trị bệnh nhân nặng (tầng 3) phải chia theo mức độ bệnh để phân khu điều trị và chăm sóc.

Đồng Tháp cần tận dụng, huy động các trang thiết bị hiện có và theo dõi tình hình diễn biến bệnh thực tế để cập nhật, áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp để giảm tỷ lệ tử vong - ông Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 24/6 đến 17 giờ ngày 29/8, Đồng Tháp ghi nhận 6.840 trường hợp mắc COVID-19, trong đó: 4.530 trường hợp xuất viện, đang điều trị 2.174 ca và 132 trường hợp tử vong.

Hiện dịch đã xuất hiện ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung ở thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung, huyện Châu Thành, Lấp Vò…

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê gần đây, số ca phát hiện trong khu cách ly chiếm khoảng 37,9%, trong khu phong tỏa chiếm khoảng 31,4%, trong cộng đồng chiếm khoảng 30,8%.

Xây dựng và bảo vệ vững chắc “vùng xanh”

Tại “điểm nóng” thành phố Sa Đéc với hơn 3.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong thời gian qua, việc giữ chắc vùng xanh, hóa xanh vùng đỏ trở thành nhiệm vụ cấp bách và hàng đầu.

Địa phương này đang quyết liệt bảo vệ các “vùng xanh,” khoanh chặt các “vùng đỏ” tiếp tục xét nghiệm sàng lọc tách F0 ra khỏi cộng đồng, giảm cấp độ màu tùy theo từng khu vực để tiến tới “xanh hóa” bản đồ COVID-19 của toàn thành phố.

Tính đến ngày 28/8, thành phố đã thiết lập được 389 “vùng xanh” với 17.253 hộ gia đình gồm 58.519 nhân khẩu, còn 189 “vùng đỏ” và “vùng vàng” đang quản lý khép chặt, thu hẹp dần.

Tại mỗi “vùng xanh” đều bố trí các chốt kiểm soát trực 24/24 giờ với sự tham gia của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng quản lý, kiểm soát người ra, vào khu vực, đảm bảo an ninh trật tự.

Đồng Tháp hiện có 12 xã dự báo “nguy cơ rất cao,”18 xã “nguy cơ cao,” 28 xã “nguy cơ” và 85 xã “bình thường mới,” toàn tỉnh hiện đang phong tỏa 109 khu vực.

Để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm “vùng đỏ,” phát triển “vùng xanh,” Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp xây dựng và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng Tháp xác định “vùng xanh” là khu vực không có yếu tố dịch tễ về COVID-19, được cơ quan y tế tổ chức test sàng lọc không có ca mắc trong cộng đồng hoặc khu vực từ 7 ngày trở lên không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng.

Nguyên tắc thiết lập “vùng xanh” có thể trên phạm vi từ một hộ gia đình, một số hộ gia đình, khu vực dân cư hoặc một số tổ, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn hoặc một huyện, thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và chịu trách nhiệm thiết lập “vùng xanh” đối với các khóm, ấp; đối với các địa phương cấp xã do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định; cấp huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Tại mỗi khu vực thiết lập vùng xanh, ban hành, niêm yết nội quy như quy định đối tượng ra, vào khu vực; quy định quyền và trách nhiệm của người dân; những đối tượng cấm vào khu vực; quy định quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh địa phương, truyền thanh lưu động, ứng dụng công nghệ thông tin (Zalo) của các Tổ Nhân dân tự quản để vận động, nhắc nhở người dân trong khu vực tuân thủ nội quy đã ban hành.

Mỗi khu vực thuộc “vùng xanh” chỉ bố trí một lối đi vào và một lối đi ra riêng biệt có lập chốt kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát); hạn chế bố trí lối ra vào ở những nơi giáp khu phong tỏa, cách ly, khu vực có người nhiễm COVID-19; các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra vào kể cả người và phương tiện.

Lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” chủ yếu là lực lượng tại chỗ, gồm tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng làm nhiệm vụ thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào khu vực, bảo đảm an ninh trật tự và tổ chức bảo đảm lương thực, thực phẩm và cung ứng trong “vùng xanh.”

Tại mỗi “vùng xanh” phường, xã, thị trấn thành lập ít nhất một Tổ phản ứng nhanh để giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực yêu cầu (gồm lực lượng công an, y tế, dân quân tự vệ...).

Tính đến ngày 29/8, Đồng Tháp có 82 “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định; 885 “vùng xanh” do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp tối 29/8, ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị, ít nhất mỗi khu vực phải xác lập công khai 4 đường dây nóng bao gồm thường trực Ủy ban nhân dân, công an, y tế và Tổ nhân dân tự quản/Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Đây là cách điều cần thiết đối với người dân, nhất là trong thời gian thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16./.

Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 29/8

Đồng Tháp: 

- Số ca nhiễm: 6.281 ca
- Ca tử vong: 129 ca
- Tiêm chủng: 317,139 liều

Trong nước:

Số ca nhiễm: 435.265 ca
Số ca tử vong: 10.749 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 8.624 ca; Thủ đô Hà Nội: 38 ca.
Số ca khỏi bệnh: 219.802 ca.
Số tiêm chủng: 19.431.093 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.999.888 liều, tiêm mũi 2 là 2.431.205 liều.

Thế giới:

Số ca nhiễm: 216.868.264
Số ca tử vong: 4.510.135
Số ca hồi phục: 193.803.759

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục