Đồng yen của Nhật Bản đã chịu áp lực trong phiên giao dịch 14/11, giữa lúc giới giao dịch đang chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ.
Số liệu này có thể tiếp sức cho đồng yen, hoặc đẩy đồng USD lên mức cao nhất kể từ năm 1990 so với đồng tiền của Nhật Bản.
Phiên này, đồng USD có thời điểm được giao dịch ở mức 151,68 yen đổi 1 USD, gần mức cao nhất một năm qua là 151,92 yen đổi 1 USD ghi nhận trong phiên trước đó. Nếu phá vỡ mức 151,94 yen đổi 1 USD của năm ngoái, tỷ giá đồng USD so với đồng yen sẽ xác lập mức cao mới trong 33 năm qua.
Tháng Chín năm ngoái, giới chức Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng đã đẩy đồng yen xuống mức 145 yen đổi 1 USD.
Sau đó, vào tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản lại can thiệp một lần nữa khi đồng yen sụt mạnh xuống mức thấp nhất 32 năm là 151,94 yen đổi 1 USD.
Đồng yen yếu buộc Nhật Bản cắt giảm kế hoạch chi tiêu quân sự lịch sử
Ông Yusuke Miyairi, chiến lược gia ngoại hối của Nomura, dự đoán Nhật Bản có thể can thiệp nếu đồng yen phá vỡ ngưỡng 152 yen đổi 1 USD.
Theo ông, điều đáng ngạc nhiên là sự can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản diễn ra ít thường xuyên hơn và không có tác dụng quá mạnh, vì thế có khả năng mức tỷ giá có thể khiến Chính phủ Nhật Bản can thiệp sẽ cao hơn.
Hiện, thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu lạm phát được Mỹ công bố trong ngày 14/11 (theo giờ địa phương) để tìm kiếm manh mối về đường hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những ngày gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của ngân hàng này đã nỗ lực đẩy lùi các đồn đoán trên thị trường rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất./.