Du lịch hậu giãn cách COVID-19: ‘Sống chung với lũ’ bằng công nghệ mới

Hậu COVID-19, doanh nghiệp cần tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới bằng hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dùng công nghệ số để phát triển trong bối cảnh mới.
Liệu tới cuối năm du lịch Việt có thể sôi động trở lại? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Liệu tới cuối năm du lịch Việt có thể sôi động trở lại? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Báo cáo của ngành du lịch thế giới cho thấy hết quý I doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý II toàn thế giới giảm 87%, sáu tháng đầu năm giảm 65%. Và, tính đến thời điểm này, 440 tỷ USD là con số ước tính thiệt hại do COVID-19 gây ra. Tổ chức du lịch thế giới dự báo nếu dịch bệnh tiếp tục, năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD, và giảm 1 tỷ khách du lịch.

Ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản, số còn lại lâm cảnh kiệt quệ và cũng đứng trước bờ “vực thẳm,” không chỉ lao động thất nghiệp mà các CEO cũng "bơ vơ." Chẳng ai có thể ngờ đại họa từ COVID-19 lại khủng khiếp như vậy nên giải pháp cũng phải đặc biệt.

An toàn đặt lên hàng đầu

Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng trước nhu cầu của doanh nghiệp, kích cầu du lịch lần 2 sẽ kéo theo khởi sắc của ngành vào cuối năm 2020. Đặc biệt, lần này công tác đảm bảo an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, yếu tố hấp dẫn là điểm thu hút du khách trở lại du lịch sau dịch bệnh. Do đó, lãnh đạo ngành nhấn mạnh các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn. Và gói sản phẩm mới là không thể thiếu.

Du lịch hậu giãn cách COVID-19: ‘Sống chung với lũ’ bằng công nghệ mới ảnh 1Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch. (Ảnh: CTV)

“Giai đoạn trước có những sản phẩm tốt nhờ liên minh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Lần này, chúng ta cần có liên minh để cho ra đời sản phẩm hấp dẫn, linh hoạt, đảm bảo dịch vụ hoàn hủy, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách trong thời điểm tới,” ông Siêu nói.

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đánh giá cao tính chủ động của địa phương. Các liên minh đã cho ra đời sản phẩm hấp dẫn như: sản phẩm khám phá nhà tù Hỏa Lò đêm Hà Nội, khám phá đêm Hà nội; tour đi Yên Bái, Lào Cai xem ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch...; Viettravel có chương trình "Du lịch an toàn, an toàn đi du lịch;" Quảng Ninh có gói kích cầu 100 tỷ; các hãng hàng không cũng vào cuộc.

[Các địa phương và doanh nghiệp làm gì để kích cầu du lịch trở lại?]

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình đánh giá thời gian qua, toàn ngành đã làm nhiều việc hăng hái, đợt kích cầu lần một thành công. Nhưng cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được những khó khăn mới.

“Nếu tháng 11-12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu. Chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như tính đến phương án sống chung với dịch,” ông Bình nói.

Du lịch hậu giãn cách COVID-19: ‘Sống chung với lũ’ bằng công nghệ mới ảnh 2Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV)

Ông Bình cho rằng doanh nghiệp dù khó khăn đang chồng chất nhưng nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp.

Vì thế theo vị chuyên gia này, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới bằng hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ số để phát triển doanh nghiệp.

Tóm lại, doanh nghiệp nên chuyển đổi số cho việc khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại. Và đây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình trong bối cảnh "bình thường mới" của ngành du lịch Việt.

Cần tiếp sức của chính quyền địa phương

Trước đó, tháng 5-6, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước, Tổng cục Du lịch đã phát động chương trình kích cầu đợt 1, các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan quản lý… đưa ra nhiều giải pháp nhưng nay đã không còn phù hợp. Bởi đợt kích cầu lần 2, giá không thể thấp hơn, doanh nghiệp đang kiệt sức nên khó khăn chồng chất khó khăn.

“Các doanh nghiệp lớn hãy cố gắng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mới lạ. Dịp cuối năm, chúng ta không thể kỳ vọng khách đông ào ạt trở lại nhưng vẫn cần nỗ lực làm,” ông Bình nói.

Trước thông điệp cụ thể của Tổng cục Du lịch: "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn," ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội khẳng định đặt ra thông điệp “an toàn,” “hấp dẫn” thời điểm này hoàn toàn phù hợp.

Du lịch hậu giãn cách COVID-19: ‘Sống chung với lũ’ bằng công nghệ mới ảnh 3Du khách lên đỉnh Fansipan hồi cuối tháng Năm, trước khi đợt dịch COVID-19 thứ 2 bùng phát ở Việt Nam. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Theo ông Hùng, hiện nay an toàn ở trong nước đã ổn định, nhờ Chính phủ, địa phương sớm vào cuộc đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng hấp dẫn thì sao?

Do đó, ông Hùng đề xuất trong đợt kích cầu hai doanh nghiệp không nên giảm giá bằng nguồn lực của mình mà cần sự tiếp sức của chính quyền địa phương bằng cách giảm giá vé các điểm tham quan, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn; các cấu thành của sản phẩm như: vé máy bay (thuế cao), xe ô tô (phí cầu đường, bến bãi)... được chính quyền áp dụng chính sách giảm thuế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay, 10-5% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chính quyền địa phương nên chia sẻ với doanh nghiệp dù mức hỗ trợ có thể rất thấp để đồng hành cùng họ trong khó khăn. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị “guồng máy” tốt cho ngành trong tương lai cũng là giải pháp cần làm lúc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục