Du lịch Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá ẩm thực, di sản

Có bề dày văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm nhưng phải tới năm 2019, thế giới mới vinh danh ẩm thực và di sản Việt Nam với hai giải thưởng lớn. Và sự ghi nhận này đã mở ra hướng đi mới cho du lịch Việt.
Bánh mì Việt Nam - món ăn vặt hảo hạng nhất thế giới. (Nguồn: BBC)
Bánh mì Việt Nam - món ăn vặt hảo hạng nhất thế giới. (Nguồn: BBC)

Nhân cơ hội năm 2019 Việt Nam được hai giải thưởng "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019," "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á," Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, du lịch Việt sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá hai lĩnh vực này trong thời gian tới.

- Ông đánh giá thế nào về kết quả du lịch của Việt Nam năm 2019?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả rất quan trọng, đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 16% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng.

Mục tiêu trong năm 2020, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao toàn ngành đón được khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng 2019 là năm rất thành công của du lịch Việt Nam, không chỉ thể hiện ở các con số thống kê về khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa cũng như tổng thu mà còn là các danh hiệu mà du lịch Việt Nam đạt được như “Điểm đến hàng đầu châu Á,” “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019.”

Đặc biệt, mặc dù chúng ta có chiều sâu giá trị văn hóa hàng nghìn năm nhưng lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019.” Các món ăn Việt Nam mặc dù đã được du khách quốc tế, các chính khách trên thế giới khi đến thăm thưởng thức và đánh giá rất cao nhưng năm 2019 lần đầu tiên ẩm thực Việt mới được vinh danh “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.”

Từ các giải thưởng này cũng mở cho Việt Nam hướng đi trong thời gian tới trong việc đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến, quảng bá tập trung vào ẩm thực và di sản để thu hút bạn bè quốc tế đến.

Du lịch Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá ẩm thực, di sản ảnh 1Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch. (Ảnh: M.Mai/Vietnam+)

- Để đạt được mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020, Tổng cục Du lịch có giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Mục tiêu này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Tổng cục Du lịch thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì vậy ngay từ bây giờ chúng tôi đã trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp có thể triển khai ngay từ đầu năm 2020.

Cụ thể, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai những giải pháp đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 hiện đang trình Chính phủ phê duyệt. Khi được phê duyệt thì tất cả những giải pháp cho chiến lược đó sẽ được đưa thành hành động cụ thể.

Chúng tôi cũng cố gắng triển khai theo những đề án mà Chính phủ đã phê duyệt trong năm 2018-2019, như Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Đề án tái cơ cấu phát triển khách du lịch Việt Nam, Đề án xúc tiến du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài… Đây là những đề án lớn mà chúng tôi phải triển khai.

Tổng cục sẽ tiến hành rà soát để hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; tập trung nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch để đáp ứng thị trường khách mục tiêu, cụ thể là những thị trường gần như Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và thị trường ASEAN. Đây đều là những thị trường lớn có tốc độ tăng trưởng khách đến Việt Nam rất cao.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào công tác đào tạo nhân lực đáp ứng được số lượng, đảm bảo được chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được các dịch vụ du lịch cao cấp.

Lãnh đạo ngành cũng đề cao công tác quản lý các khu, điểm du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách.

Du lịch Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá ẩm thực, di sản ảnh 2Phở đã trở thành thứ ẩm thực không chỉ của riêng Hà Nội mà đã nổi tiếng cả trên thế giới. (Ảnh: Đoàn Bách/Vietnam+)

- Để thu hút khách du lịch, vấn đề visa rất quan trọng bởi nếu thuận lợi mới hấp dẫn được khách đến. Trong khi thực tế, chính sách visa ở Việt Nam vẫn đang được đánh giá là “thiếu thân thiện.” Vậy Tổng cục Du lịch có kiến nghị gì để giải quyết một trong những điểm nghẽn lớn này của ngành, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ để làm sao có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục thị thực, xuất nhập cảnh cho khách quốc tế.

Chúng tôi cũng rất vui mừng là trong những ngày cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt gia hạn miễn thị thực cho 8 thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Đây là kết quả của sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện hấp dẫn du khách nước ngoài đến với Việt Nam.

Thời gian tới, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ xem xét để có thể tiếp tục miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia có hợp tác chiến lược với Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch từ các thị trường này đến với Việt Nam nhiều hơn nữa.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Clip ông Nguyễn Trùng Khánh nói về các giải pháp cho du lịch Việt Nam 2010:

Trong phiên họp thường kỳ cuối năm 2019, Chính phủ thống nhất gia hạn việc miễn thị thực cho công dân các nước: Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Belarus khi nhập cảnh Việt Nam đến ngày 31/12/2022, với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục