Dự thảo Luật Tài nguyên Nước: Hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có chia sẻ về sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước và việc đảm bảo an ninh nguồn nước.

Dự thảo Luật Tài nguyên Nước: Hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước ảnh 1(Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN)

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên Nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước, một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2022-2023 là sửa đổi Luật Tài nguyên Nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ vấn đề này.

- Ông có thể cho biết thực trạng các chế định liên quan đến quản lý tài nguyên nước?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Luật Tài nguyên Nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay.

Trên cơ sở các quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật (14 Nghị định, 21 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư). Các địa phương đã ban hành 445 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên Nước và các Nghị định.

[UBTV Quốc hội: Phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả Tài nguyên Nước]

Một số văn bản đã ban hành trở thành công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 07/15 quy hoạch về tài nguyên nước, gồm: quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 5 lưu vực sông: Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê san, Srepok, Hồng-Thái Bình, Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng; có 6/63 tỉnh, thành đã ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền.

43/63 tỉnh, thành đã phê duyệt Danh mục Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. 26/63 tỉnh, thành đã ban hành Quyết định công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; 47/63 tỉnh, thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Hệ thống quan trắc giám sát tự động, trực tuyến phục vụ ra quyết định và quản lý ở Trung ương và địa phương đã xây dựng và đang được hoàn thiện nhằm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Việc thực thi quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã và đang triển khai rất hiệu quả (đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gần 1.500 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 12.000 tỷ đồng. Ở địa phương, các tỉnh đã phê duyệt tổng số tiền cấp quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước gần 600 tỷ đồng).

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên Nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên Nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Một số quy định của Luật Tài nguyên Nước năm 2012 còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.

Luật Tài nguyên Nước 2012 chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên Nước.

Điều này dẫn đến thực tế chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp trong triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.

Dự thảo Luật Tài nguyên Nước: Hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước ảnh 2Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước Châu Trần Vĩnh. (Nguồn: Cục Quản lý nguồn Tài nguyên Nước)

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên Nước 2012 chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.

Chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ, định giá giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến tình trạng sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước.

Ngoài ra, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần phải có quy định cụ thể hơn hay phải bổ sung để nhằm quản lý tài nguyên nước chặt chẽ hơn.

- Theo ông, những điểm mới nào sẽ được Bộ xây dựng trong Dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Hiện nay, Dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên Nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo bổ sung: Các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước, chất lượng cho các mục đích sử dụng, đảm bảo hệ sinh thái và môi trường và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước (Điều 39, Điều 40).

Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm (Điều 14, Điều 38, Điều 72, Điều 73 và Điều 74).

Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước (Điều 73); làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước (Điều 74).

Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước (Điều 68, Điều 69).

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; bổ sung điều “tích hợp hoạt động tài nguyên nước”; bổ sung các quy định về quản lý khai thác, sử dụng nước; bổ sung các quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ (Điều 66) và các quy định về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp (Điều 63); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (Điều 39, Điều 40).

Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương trong toàn bộ dự thảo Luật (Điều 79, Điều 80).

Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước (Điều 42).

Đặc biệt, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.

Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước (Điều 10); bảo vệ nước dưới đất (Điều 33); bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 43); các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép (Điều 47); phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo (Điều 63); phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước (Điều 36). Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước.

- Nhằm nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) cần tập trung bổ sung quy định nào liên quan đến cơ chế tài chính về tài nguyên nước?

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Liên quan đến cơ chế tài chính về tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định nội dung tài chính về tài nguyên nước, trong đó quy định một số trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài việc phải đóng thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí lệ phí còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Quy định này nhằm coi nước là tài sản quốc gia, bảo đảm lợi ích của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu tài nguyên nước, nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm sự công bằng.

Tuy nhiên, nhằm nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế-xã hội, Dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) bổ sung thêm một số quy định liên quan đến cơ chế tài chính về tài nguyên nước như: Quy định về thuế, phí về tài nguyên nước theo hướng quy định về đối tượng áp dụng thuế tài nguyên liên quan đến tài nguyên nước; giá tính thuế tài nguyên.

Bổ sung mới quy định thu tiền cấp quyền khai thác nước đối với mục đích sinh hoạt, nông nghiệp (có quy định lộ trình). Bổ sung quy định về các dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, nguyên tắc chi trả dịch vụ, trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước. Bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước, trong đó có quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục