Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng

Đức đóng cửa nhà máy Isar II, Emsland và Neckarwestheim II, chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ qua để nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử.
Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức ngày 4/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi nhiều nước phương Tây thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu kiên quyết theo đuổi kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân.

Đóng cửa 3 nhà máy cuối cùng

Ngày 15/4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ qua để nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử.

Ba nhà máy bị đóng cửa là Isar II, Emsland và Neckarwestheim II.

Hình ảnh những đám mây hơi nước màu trắng bốc lên từ các lò phản ứng của các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland sẽ trở thành ký ức đối với nhiều người Đức.

[Đức sẽ đóng cửa các nhà máy hạt nhân còn lại vào ngày 15/4]

Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31/12/2022, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy thêm 3 tháng, đến ngày 15/4.

Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Đến năm 2011, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel, kế hoạch này được thúc đẩy sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần gây ra sự cố hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, bà Merkel cho rằng không thể kiểm soát một cách an toàn những rủi ro từ năng lượng hạt nhân, ngay cả với một quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản.

Kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, làm giảm mạnh tỷ trọng năng lượng cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thực thi kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Kế hoạch gây tranh cãi

Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân của Đức gây nhiều tranh cãi sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022, khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - một trong ba đảng trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức, cho rằng điều này là quá sớm và muốn duy trì các nhà máy ở chế độ "chờ" một thời gian để có thể nhanh chóng kích hoạt lại trong trường hợp cần thiết.

Trong một tài liệu về chính sách năng lượng của đảng, FDP kêu gọi nên để ngỏ khả năng tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.

Nhóm nghị sỹ của đảng FDP tại Quốc hội liên bang ủng hộ việc duy trì các lò phản ứng ở trạng thái sẵn sàng vận hành trong ít nhất một năm nữa sau khi chúng bị đóng vào giữa tháng Tư này. Mục đích của việc này là để có thể kích hoạt lại các lò phản ứng khi cần.

Bộ Kinh tế liên bang Đức nhận định tuy năng lượng hạt nhân không còn cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung nhưng các tình huống khẩn cấp là khó lường.

Do vậy, các nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn có khả năng được kích hoạt trở lại cho đến khi khí đốt tự nhiên của Nga được thay thế hoàn toàn bằng các nguồn khác, có thể là vào mùa Xuân năm 2024.

Tuy nhiên, quan điểm này của đảng FDP đã vấp phải sự phản đối của đảng Xanh.

Những người chỉ trích việc chấm dứt năng lượng hạt nhân cho rằng quyết định này có thể buộc Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, nguồn nhiên liệu vốn gây ô nhiễm hơn nhiều so với khí đốt, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, đảng Xanh, một đối tác trong liên minh cầm quyền phản đối mạnh mẽ việc xem xét lại năng lượng hạt nhân.

Những người ủng hộ chính sách này cho rằng việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình xây dựng năng lượng tái tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục