Duy trì sản xuất giữa tâm dịch: Gồng mình duy trì '3 tại chỗ'

Trải qua gần 3 tuần thực hiện chiến dịch “3 tại chỗ,” nỗ lực “cắm chốt” của các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực về mọi mặt.
Duy trì sản xuất giữa tâm dịch: Gồng mình duy trì '3 tại chỗ' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đang ở đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ lần thứ 3 (từ 0 giờ ngày 2/8).

Trên mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp cũng trải qua gần 3 tuần thực hiện chiến dịch “3 tại chỗ.”

Tuy nhiên, nỗ lực “cắm chốt” của các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực về mọi mặt.

Để tiếp tục duy trì sản xuất và phục hồi sau “3 tại chỗ,” doanh nghiệp cần được “tiếp sức” một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 15/7 các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã dồn toàn lực thực hiện sản xuất “3 tại chỗ.”

[Dịch COVID-19: Doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn có thêm trợ lực]

Tính đến cuối tháng Bảy, có 1.282 doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly với tổng số trên 84.000 lao động.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế từ nhiều doanh nghiệp đang triển khai cho thấy mô hình này khó có thể duy trì trong thời gian dài do phát sinh nhiều vấn đề về nhân lực, chi phí cũng như nguồn nguyên liệu.

Quá tải nhân lực và chi phí

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hơn hai tuần thực hiện “3 tại chỗ,” một số doanh nghiệp nhận thấy mô hình này chỉ có thể kéo dài tối đa một tháng vì về lâu dài không thể biến khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thành một khu dân cư. Hạ tầng, cơ sở vật chất nhà máy chỉ thiết kế xây dựng để sản xuất, do vậy khi phải điều chỉnh sắp xếp để sản xuất theo “3 tại chỗ” thì không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho người lao động sinh hoạt.

Hiện nay, tâm lý người lao động bắt đầu bất ổn khi phải ở lâu trong nhà máy và chịu sự kiểm soát khắt khe. Nếu sản xuất tại chỗ lâu dài, sức khỏe, tinh thần người lao động sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Mặt khác, chi phí duy trì “3 tại chỗ” hiện nay quá cao, doanh nghiệp vừa phải trang bị cơ sở vật chất sinh hoạt, vừa phải lo ăn uống ngày 3 bữa và xét nghiêm định kỳ cho người lao động. Đây là gánh nặng quá lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh bị hạn chế.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với nhiệm vụ phải đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trong mọi diễn biến dịch, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh đều nỗ lực để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ.”

Tuy nhiên, sau 3 tuần cắm chốt, ngoài một số doanh nghiệp ở nhóm thịt gia cầm, gia súc giữ được năng lực sản xuất từ 100-200%, các nhóm ngành khác như: mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị,… chỉ duy trì ở mức từ 40-70% công suất so với thời điểm bình thường.

Theo bà Lý Kim Chi, dù các doanh nghiệp trong ngành đã có chuẩn bị từ trước, nhưng việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế, không thể kéo dài quá lâu. Thực tế các doanh nghiệp quy mô vừa chỉ đủ khả năng “cắm chốt” từ 2-3 tuần, các doanh nghiệp lớn hơn có thể duy trì tối đa 4-5 tuần do phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất trong điều kiện thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy.

“Áp lực tài chính hiện nay với doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' là rất lớn, bởi tất cả chi phí từ nguyên vật liệu đầu vào đến vận chuyển, logistics đều tăng cao nhưng mặt hàng thực phẩm thiết yếu phải cố gắng giữ bình ổn giá. Trong lúc đó, để tổ chức sản xuất '3 tại chỗ,' ngoài việc bố trí ăn, ở, ngủ, sinh hoạt, test COVID-19 định kỳ, các doanh nghiệp phải bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt cho lực lượng lao động đồng ý ở lại. Điều này làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với trước trong khi tổng sản lượng giảm hơn 50%,” bà Lý Kim Chi nêu vấn đề.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng lực lượng lao động đông đảo. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, các doanh nghiệp luôn cố gắng để duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp ngành dệt may đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” hay “1 cung đường-2 điểm đến” rất ít. Ngay cả các doanh nghiệp đáp ứng được và đang sản xuất cũng chỉ bố trí sản xuất cho 35-50% số lao động để đảm bảo giãn cách và 5K.

Duy trì sản xuất giữa tâm dịch: Gồng mình duy trì '3 tại chỗ' ảnh 2Lều ngủ của công nhân. (Nguồn: TTXVN phát)

Điều này khiến công suất sản xuất giảm đáng kể, khó đáp ứng đúng tiến độ giao hàng cho các hợp đồng đã ký. Cùng đó, giá thành sản xuất tăng cao khiến hầu hết doanh nghiệp đều phải bù lỗ.

Lo ngại nguồn cung nguyên liệu

Ngoài vấn đề tổ chức ăn ở cho người lao động thì thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng đang là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp dệt may lo lắng.

Ông Phạm Văn Việt cho biết trước đây nguồn nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, sau khi nguồn cung từ Trung Quốc bị đứt gãy do dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2020, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước.

Đây được xem là lợi thế trong bối cảnh bình thường do có thể cung ứng liên tục theo hình thức “cuốn chiếu,” thời gian vận chuyển nguyên liệu ngắn, không cần quá nhiều kho bãi để dự trữ.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 trong nước phức tạp thì lại là bất lợi, do nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu phải ngừng hoạt động hoặc giảm công suất để đảm bảo giãn cách.

Một số nhà máy còn hoạt động thì không sản xuất đủ các loại nguyên phụ liệu khác nhau.

Thêm vào đó, việc vận chuyển nguyên phụ liệu nhiều nơi bị ách tắc do không phải là “hàng hóa thiết yếu,” trong khi doanh nghiệp may không kịp dự trữ đủ nguyên liệu để sản xuất “3 tại chỗ.”

Đối với ngành lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi nêu thực tế tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất ngành lương thực thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam.

Cụ thể, nguồn thịt lợn, bò, gà, thủy sản phục vụ cho tiêu dùng thịt tươi sống và sản xuất chế biến của Thành phố phần lớn đều được cung ứng từ các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang; nguồn rau củ quả đến từ Lâm Đồng…

Điều đó thấy rõ tính liên kết trong một chuỗi mắt xích từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất.

Trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phía Nam đều thực hiện giãn cách xã hội, việc thu gom, vận chuyên nguyên liệu về các cơ sở chế biến thường xuyên bị ách tắc, chậm trễ khiến nhiều nhà máy không đủ nguyên liệu, chỉ có thể hoạt động cầm chừng.

Thêm vào đó, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài những nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối còn cần rất nhiều loại nguyên phụ liệu, cung ứng từ nhiều nơi khác nhau.

Song hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, rất nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu không đáp ứng “3 tại chỗ” hoặc xuất hiện trường hợp F0 phải dừng hoạt động dẫn đến khả năng duy trì sản xuất của các doanh nghiệp chế biến đầu cuối cũng khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, sau một thời gian giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng không còn duy trì được sự đồng bộ. Chỉ cần đối tác cung ứng bao bì đóng gói bị sự cố hay dịch vụ kỹ thuật bị đứt gãy thì hoạt động của doanh nghiệp bị khựng lại ngay.

Việc cung ứng hàng hóa, lưu thông vận chuyển bị ách tắc do các quy định về hạn chế lưu thông đối với các hàng hóa, vật tư không thiết yếu.

Bất cập ở chỗ, các xe tải thường chỉ được ra vào thành phố từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, nhưng hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đang hạn chế tối đa việc ra đường trong khung giờ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bên cạnh đó, hầu hết các kho bãi đều bị ngưng hoạt động, nên công tác tiếp nhận vật tư hàng hóa của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Một vấn đề khiến cả doanh nghiệp và người lao động lo ngại là ngành y tế hướng dẫn rất kỹ càng về các quy định tiêu chí sản xuất theo “3 tại chỗ” nhưng không có bất cứ một hướng dẫn nào về quy trình xử lý trong trường hợp có ca người lao động mắc F0 hay F1.

Vì vậy, khi xảy ra tình huống này, doanh nghiệp rất lúng túng, liên hệ nhiều nơi không được hỗ trợ, giúp đỡ xử lý do đó người lao động không yên tâm để sản xuất, còn doanh nghiệp phải dừng sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục