Ngày 11/1, tại Brussels, các Ngoại trưởng của Anh, Đức và Pháp khẳng định Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), đóng một vai trò then chốt để hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran.
Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức cùng với người đồng cấp Iran Javad Zarif đã có cuộc họp tại Brussels, dưới sự chủ trì của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, để tái khẳng định sự ủng hộ đối với JCPOA trước thời điểm Tổng thống Mỹ ra quyết định thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Sau cuộc họp với các ngoại trưởng của ba nước EU và Iran, bà Federica Mogherini đánh giá JCPOA "đang vận hành tốt," phát huy hiệu quả với mục tiêu chính là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ chương trình hạt nhân của Tehran. Bà nhấn mạnh sự thống nhất của cộng đồng quốc tế là điều kiện cốt yếu để bảo toàn thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố rằng EU muốn bảo vệ thỏa thuận vì nó phù hợp với lợi ích của EU là không phát triển và không muốn chứng kiến vũ khí hạt nhận được phát triển tại Iran.
[Anh, Pháp, Đức kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran]
Ông cho biết EU mở ra một kênh thông tin với Iran để đề cập đến vấn đề phi hạt nhân và những lĩnh vực được quan tâm khác.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá không gì có thể thay thế cho JCPOA.
Ông cũng thừa nhận hiện vẫn còn nhiều điểm bất đồng với Iran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố đây là thỏa thuận mấu chốt để làm cho thế giới an toàn hơn.
Cũng tại cuộc họp, các nước Anh, Pháp, Đức và EU kêu gọi Mỹ bảo vệ JCPOA và khẳng định rằng Iran có quyền được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Theo kế hoạch, giữa tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định có tiếp tục dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu của Iran theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama hay không.
Nếu không, quyết định của Mỹ sẽ vi phạm JCPOA và tất nhiên điều này đồng nghĩa với việc Iran sẽ tiến hành các hành động cần thiết.
Mặc dù không nói rõ biện pháp cụ thể nào, song ông Kamalvandi khẳng định với khả năng hiện nay, Tehran có thể tăng tốc các hoạt động hạt nhân lên gấp nhiều lần, đặc biệt là hoạt động làm giàu urani.
Nhiều cựu quan chức quân đội Mỹ, thành viên Hạ viện và các cựu đại sứ trong số 52 chuyên gia về an ninh quốc gia đã ký vào bức thư ngỏ đề ngày 9/1 kêu gọi ông Trump không làm tổn hại đến thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Các cường quốc châu Âu đang lo ngại thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran sẽ sụp đổ nếu Tổng thống Mỹ quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
EU cho rằng thỏa thuận trên là không thể thương lượng lại./.