Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/9 cho biết sẽ trừng phạt mạnh tay đối với những hãng sản xuất thực phẩm bán ra các sản phẩm có chất lượng không đồng nhất tại các thị trường nội khối.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề bảo vệ người tiêu dùng Vera Jourova cho biết có những sản phẩm xuất hiện trong bao bì giống nhau, nhưng trên thực tế chất lượng của chúng lại không giống nhau.
Ở thị trường Đông Âu, các sản phẩm càphê hòa tan ít caffeine và nhiều đường hơn; những lát cá tẩm bột ít thịt hơn; hay kẹo chocolate có hàm lượng cacao ít hơn ở thị trường Tây Âu.
Và bà Vera Jourova nhận định đây là vấn đề "rất nghiêm trọng."
Để giải quyết thực trạng này, Ủy ban châu ÂU (EC) dự kiến sẽ cấp cho mỗi nước thành viên EU 1 triệu euro (hơn 1,1 triệu USD) để hỗ trợ các nước này xúc tiến biện pháp kiểm tra, đối chiếu sản phẩm, qua đó phát hiện các điểm khác biệt trong chất lượng, đồng thời đưa ra những bằng chứng xác thực tình trạng gian lận này.
[EU lên kế hoạch quản lý khủng hoảng sau vụ bê bối trứng bẩn]
Ngoài ra, kế hoạch của EU cũng bao gồm cả việc đảm bảo rằng các quốc gia thành viên nhận thức đầy đủ về việc thực thi các điều luật về thực phẩm trong khối.
Thông báo trên của EU được đưa ra sau khi nhiều nước thành viên của liên minh này ở khu vực Đông Âu như Slovakia, Hungary, Séc than phiền rằng họ là nạn nhân của "sự phân biệt chất lượng thực phẩm" hoặc đang bị đối xử như "một bãi rác của châu Âu," khi thực phẩm họ sử dụng có chất lượng kém xa so với ở khu vực Tây Âu, dù chúng được đựng trong bao bì y hệt nhau.
Hồi tháng Hai vừa qua, Cơ quan an toàn thực phẩm của Hungary đã công bố báo cáo cho rằng nhiều mặt hàng bán ở thị trường nước này có chất lượng kém hơn nhiều so với các sản phẩm bán ở nước Áo láng giềng.
Trong báo cáo, cơ quan này cũng đã liệt kê danh sách các mặt hàng "có vấn đề," như sản phẩm Nutella của công ty Ferrero - được cho là "ít kem và không mềm mượt," đồ uống Coca-Cola - được cho là "không thơm," hay sản phẩm Nesquik vị cacao của hãng Nestle - được cho là "không hài hòa" bằng ở Áo.
Để xoa dịu tình hình, hồi đầu tháng này, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định tại EU "không có người tiêu dùng hạng hai"./.