Những ngày gần đây, thông tin về việc lộ lọt 50 triệu tài khoản trên Facebook đang làm rúng động dư luận. Nhiều người dùng mạng xã hội này ở Việt Nam cũng không khỏi lo ngại về việc tài khoản của mình bị theo dõi hay không, nhất là khi họ dùng nhiều ứng dụng từ đối tác của Facebook.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav về việc này.
Có thể lợi dụng thông tin để lừa đảo
- Thưa ông, vụ bê bối lộ lọt thông tin trên Facebook đang gây xôn xao dư luận. Ông nhận định thế nào về việc này?
Ông Ngô Tuấn Anh: Trong vụ việc nói trên, Facebook đã để cho bên thứ ba truy cập, khai thác thông tin cá nhân của 50 triệu tài khoản người dùng. Các thông tin được thu thập và sử dụng là thói quen, danh sách bạn bè, thông tin được người dùng Facebook “công khai” và được cho là sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa có thông báo chính thức và ghi nhận nào về việc lộ mật khẩu tài khoản Facebook hay không.
Như vậy, hiện tại người dùng Việt Nam có thể tạm yên tâm về tài khoản của mình bởi phạm vi lộ lọt thông tin quy mô lớn này của 50 triệu tài khoản ở Mỹ là chủ yếu.
Tuy nhiên, vụ việc này cũng đặt ra vấn đề là khi mạng xã hội phát triển rất nhanh với quy mô rộng và mang lại nhiều lợi ích về việc kiết nối, chia sẻ thông tin thì mặt trái của nó cũng phát sinh nhiều vấn đề trong việc quản lý sử dụng thông tin cá nhân của người dùng.
[Chuyên gia Việt nói gì về 50 triệu người dùng Facebook lộ thông tin?]
- Hiện nay, có rất nhiều các ứng dụng trên Facebook theo dạng trắc nghiệm, với những tiêu đề hấp dẫn hướng tới người dùng Việt. Thực tế cũng cho thấy nhiều người dùng đã sử dụng những ứng dụng trên để giải trí. Với vụ việc trên, không ít người dùng hoang mang lo lắng không biết mình có bị theo dõi hay không. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Ngô Tuấn Anh: Các ứng dụng dạng này trên Facebook thông thường sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập bằng tài khoản Facebook và cho phép ứng dụng truy cập thông tin cá nhân, bạn bè, tên, tuổi giới tính, và các thông tin “công khai” khác... (xem hình dưới). Điều này, đồng nghĩa với việc bạn đã chia sẻ thông tin của mình cho ứng dụng đó.
Thông thường, mục đích của những người phát triển ứng dụng này là thu thập thông tin cá nhân được công khai trên Facebook và sử dụng dữ liệu đó cho các mục đích khác nhau, mà chủ yếu quảng cáo.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu, các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… của người dùng Facebook có thể bị sử dụng cho những mục đích nguy hiểm như lừa đảo.
Không có gì là miễn phí
- Ông có khuyến cáo gì với những người đã từng cho phép ứng dụng khác trên Facebook truy cập tài khoản của mình?
Ông Ngô Tuấn Anh: Người dùng Facebook cần rà soát và gỡ bỏ ứng dụng ko cần thiết bằng cách vào mục “cài đặt,” chọn “ứng dụng” để kiểm tra và nên hạn chế sử dụng chúng bởi không có gì là miễn phí.
Nếu muốn dùng ứng dụng, người dùng cần kiểm tra rõ các quyền ứng dụng yêu cầu khi truy cập. Người dùng cũng không nên tùy tiện cài đặt ứng dụng khi thấy ứng dụng đòi hỏi truy cập thông tin cá nhân của mình.
- Ở góc độ khác, ông có cho rằng Chính phủ nên có những chính sách tốt hơn để giúp tránh lộ lọt, thu thập thông tin cá nhân trên Facebook một cách bất hợp pháp hay không, thưa ông?
Ông Ngô Tuấn Anh: Với tốc độ phát triển nhanh của mạng xã hội, Facebook đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc khai thác thông tin người dùng.
Bởi vậy về lâu dài, chúng ta rất cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc quản lý, sử dụng khai thác thông tin cá nhân trên các mạng xã hội để có thể đảm bảo an toàn người dùng.
- Một trong những vấn đề đối với đa số người dùng Facebook nói riêng và mạng xã hội cũng như các thiết bị, ứng dụng công nghệ nói chung là việc bảo mật thông tin cá nhân của mình khá yếu. Vậy, họ nên làm gì trước tình hình hacker ngày càng tinh vi, xảo quyệt?
Ông Ngô Tuấn Anh: Hiện nay, ý thức bảo mật thông tin cá nhân của người dùng có cải thiện, tuy nhiên mức độ “dễ dãi” trong quá trình sử dụng Facebook vẫn ở mức cao. Khi có các vụ tấn công, lừa đảo xảy ra trên mạng xã hội thì vẫn có rất nhiều nạn nhân.
Theo thống kê của Bkav vào cuối năm 2017, có tới tới 63% người dùng Internet thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên mạng xã hội, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.
Vì vậy khi tham gia mạng xã hội, bạn cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước các thông tin giả mạo, bằng cách biết đặt ra nghi vấn, tốt hơn nữa là chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng. Người sử dụng cần cài thường trực phần mềm an ninh để có thể được bảo vệ tự động.
- Xin cảm ơn ông!