Giá đất ở TP Hồ Chí Minh cao nhất là 162 triệu đồng mỗi m2

Tại kỳ họp thứ 17 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 8, các đại biểu đã thông qua bảng giá các loại đất năm 2015 có giá trị trong 5 năm với mức cao nhất là 162 triệu đồng/m2.
Giá đất ở TP Hồ Chí Minh cao nhất là 162 triệu đồng mỗi m2 ảnh 1Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 8 ngày 30/12, các đại biểu đã thông qua bảng giá các loại đất năm 2015 có giá trị trong 5 năm với mức cao nhất là 162 triệu đồng/m2.

Đồng thời, Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua việc áp dụng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô với ba mức từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/năm.

Giá đất quy định bằng khoảng 30% giá thị trường

Theo Tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 19 quận của thành phố áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt-vùng Ðông Nam bộ, từ 1,5-162 triệu đồng/m2; năm thị trấn của năm huyện áp dụng theo khung giá đô thị loại 5-vùng Ðông Nam bộ, từ 120.000-15 triệu đồng/m2; các xã của năm huyện áp dụng theo khung giá đất của xã đồng bằng-vùng Ðông Nam bộ.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bảng giá đất năm 2008 được xây dựng trước đây chỉ bằng 22% so với giá thị trường tại thời điểm.

Hàng năm thành phố có điều chỉnh, bổ sung nhưng chỉ mang tính cục bộ, khiến giá đất nhiều nơi chỉ bằng 10% giá thị trường.


Với đợt công bố giá đất năm 2015, trung bình giá đất quy định bằng khoảng 30% giá thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc điều chỉnh giá đất năm 2015 theo hướng giảm dần sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng giá thị trường nhằm hài hòa lợi ích của nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất, đồng thời góp phần giảm tình trạng đầu cơ về đất.

Bảng giá đất năm 2015 được điều bình quân tăng khoảng 30% (tăng không quá hai lần ở mỗi loại đất) so với năm 2014.

Riêng bảng giá đất nông nghiệp năm 2015 được áp dụng trên cơ sở giữ nguyên bảng giá đất nông nghiệp năm 2014, nguyên nhân là việc chuyển nhượng đất nông nghiệp rất hạn chế, đồng thời nhằm hướng đến tiếp tục khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, đất phi nông nghiệp có khung giá tối đa là 162 triệu đồng/m2, chủ yếu tại khu vực các tuyến đường trung tâm là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi.

Trao đổi sau kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bảng giá đất năm 2015 là phù hợp với tình hình thực tiễn chung của thành phố. Mục tiêu chính là tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư và giúp thị trường bất động sản được thuận lợi trong quá trình giao dịch. Thành phố không “tận thu” từ thuế đất, mà hướng đến tạo điều kiện thuận lợi vì sự phát triển chung của thành phố.

Thu phí sử dụng đường bộ thấp nhất là 50.000 đồng/năm

Với việc thông qua Tờ trình tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương cuối cùng trong cả nước áp dụng việc thu phí này.

Theo Tờ trình, mức phí áp dụng từ ngày 9/1/2015 (ngày Nghị quyết Hội đồng Nhân dân có hiệu lực) và sẽ không truy thu phí của năm 2013-2014, mức thu phí được chia thành ba khung: 50.000 đồng đối với xe có dung tích xilanh đến 100cm3; 100.000 đồng đối với xe có dung tích xilanh 100-175cm3; 150.000 đồng cho xe có dung tích xilanh trên 175cm3.

Mức thu này được áp dụng cho các xe môtô, gắn máy có đăng ký biển số xe tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc xe đăng ký biển số xe tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối tượng được miễn thu phí là xe môtô của lực lượng công an, quốc phòng và chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo. Việc thu phí sẽ được giao cho Ủy ban Nhân dân các phường, xã thực hiện.

Sau khi thu phí, các phường, thị trấn sẽ được trích 10%, các xã là 20% để trang trải chi phí tổ chức thực hiện. Các huyện sẽ được giữ lại 100% số phí thu còn lại để phục vụ cho tu bổ, đầu tư hạ tầng giao thông khu vực nông thôn.

Đối với các quận, sẽ được trích lại một phần tiền thu được tùy theo điều kiện thực tế. Lãnh đạo các quận, huyện khẳng định, khi chính thức áp dụng, các địa phương sẽ tập trung triển khai và sẽ thực hiện tốt việc thu phí.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện thu phí là cần thiết, nhưng phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hành thu.

Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, thành phố cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chung để kiểm soát số lượng xe môtô ở các quận, huyện, giúp quản lý được chặt chẽ hơn và hành thu được thuận lợi.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Quang Thắng nhấn mạnh áp dụng các hình thức chế tài sẽ giúp hành thu được thực hiện tốt, tuy nhiên cần cân nhắc thêm về vấn đề này. Nguyên nhân phần lớn những trường hợp vi phạm rơi vào đối tượng có thu nhập thấp, sẽ gây thêm gánh nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong quá trình thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố cần lắng nghe ý kiến của người dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Phải đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong quá trình hành thu.

Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Tờ trình thông qua điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ. Theo đó, mức phí vé lượt thấp nhất là 15.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách; cao nhất là 80.000 đồng/lượt đối với xe container 40 feet./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục