Giá dầu tăng gần 1% tại châu Á do tác động của nhiều yếu tố

Phiên giao dịch chiều 20/3, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á nhờ đồng USD suy yếu, căng thẳng ở khu vực Trung Đông và nỗi lo ngại sản lượng tại Venezuela tiếp tục sụt giảm.
Giá dầu tăng gần 1% tại châu Á do tác động của nhiều yếu tố ảnh 1Một cở sở khai thác dầu tại Caracas, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 20/3, giá dầu đi lên tại thị trường châu Á nhờ đồng USD suy yếu, căng thẳng ở khu vực Trung Đông và nỗi lo ngại sản lượng tại Venezuela tiếp tục sụt giảm.

Phiên này tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,9%) so với cuối phiên trước lên 62,59 USD/thùng.

Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 51 xu Mỹ (0,8%) lên 66,56 USD/thùng.

Sukrit Vijayakar, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Trifecta, cho biết bên cạnh việc đồng USD yếu giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với các khách hàng sử dụng ngoại tệ khác, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.

[Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên sau dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng]

Thêm vào đó, sản lượng dầu của Venezuela sụt giảm cũng khiến giá năng lượng đi lên.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho biết Venezuala - quốc gia vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng - đã cắt giảm gần một nửa sản lượng dầu kể từ đầu năm 2005, xuống dưới 2 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng lại tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kể từ giữa năm 2016, sản lượng dầu của nước này đã tăng hơn 20% lên 10,38 triệu thùng/ngày.

Hiện sản lượng dầu của Mỹ cao hơn Saudi Arabia và chỉ còn kém Nga, nước đang khai thác 11 triệu thùng/ngày. Dự kiến sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ vượt qua Nga vào cuối năm nay.

Điều này, cùng với sản lượng dầu tại Canada và Brazil đang tăng lên, đang làm "triệt tiêu" nỗ lực thắt chặt nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục