Giải đáp các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội về công tác y tế

Ngành y tế Hà Nội vẫn còn một số tồn tại như tình trạng thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là y tế có trình độ chuyên môn cao và bác sỹ tại tuyến y tế cơ sở; giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các cấu phần.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 10/12, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả công tác y tế năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai của những năm tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn.

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, năm 2020, mặc dù toàn ngành y tế tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu y tế của năm và cả giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố.

Cụ thể, thành phố đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, góp phần vào thành công của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các dịch bệnh khác cũng được kiểm soát, số mắc giảm so với năm 2019.

Bên cạnh đó, ngành y tế đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn bệnh viện, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngành y tế Thủ đô đã duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, chất lượng chuẩn Quốc gia y tế xã, triển khai có hiệu quả mô hình Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm được tăng cường, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra thành phố cũng hoàn thành các chỉ tiêu dân số; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô. Các đơn vị thực hiện tốt công tác tự chủ, nâng cao năng lực quản lý chuyên môn, quản lý tài chính.

Giải đáp các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội về công tác y tế ảnh 1Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, như tình trạng thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là y tế có trình độ chuyên môn cao và bác sỹ tại tuyến y tế cơ sở.

Kinh phí bảo hiểm y tế được phân bổ chưa đáp ứng với thực tế khám, chữa bệnh tại các đơn vị. Giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các cấu phần.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của từng đơn vị cũng như toàn ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, đặc biệt là cán bộ y tế làm việc trong khối dự phòng...

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nêu kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội với Bộ Y tế về cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở và khối dự phòng; đề xuất với Chính phủ, Quốc hội có chính sách tiền lương phù hợp cho cán bộ y tế, đặc biệt là khối y tế dự phòng, y tế cơ sở.

[Chủ tịch UBND Hà Nội: Quyết tâm không để xảy ra làn sóng dịch thứ 3]

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét việc phân bổ kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo với chi phí thực tế của các đơn vị; xem xét thẩm quyền của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc phân bổ kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đơn vị của Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn....

Đối với các kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2021-2030 theo hướng cập nhật bổ sung một số nội dung (quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã, hồ sơ sức khỏe điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin...) của Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế để phù hợp với tình hình mới.

Bộ cũng quan tâm tới cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở và khối dự phòng; tích cực hoàn thiện các văn bản liên quan trong lĩnh vực dược, trong đó đẩy nhanh lộ trình cấp đăng ký, cấp GMP, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15 về đấu thầu thuốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng trả lời các nội dung liên quan đến công tác quản lý hành nghề, đối với hành nghề y dược tư nhân; về đề nghị bỏ hình thức tổ chức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ra khỏi các hình thức tổ chức hành nghề khám chữa bệnh; về giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế và đấu thầu thuốc; về việc chuyển công tác đấu thầu mua thuốc của các đơn vị trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành về Bộ Y tế; về phân bổ kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục