Giải trình việc thực hiện chính sách giáo dục mầm non

Phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông diễn ra ngày 25/12.
Ngày 25/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình “về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.”

Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng dự.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đã giải trình các chất vấn của đại biểu Quốc hội, tập trung vào 4 nội dung chính đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, tài chính; việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chất lượng chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện nay, qua đó, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.

Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đội ngũ giáo viên mầm non đã phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Toàn ngành hiện có trên 345.500 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 96,2%. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu tăng số trẻ ra lớp.

Chất vấn tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm đảm bảo số lượng và tăng cường chất lượng giáo viên mầm non. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nêu thực trạng giáo viên mầm non vẫn thiếu so với nhu cầu, trong đó, có tình trạng giáo viên ngoài biên chế nhiều nhưng chế độ chính sách không đảm bảo nên gặp khó khăn trong cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những năm gần đây, Chính phủ đã rất coi trọng giáo dục mầm non nhưng bước đầu mới chỉ giải quyết được cho mầm non 5 tuổi. Đối với các khu vực khó khăn, Chính phủ có chủ trương chuyển các trường ngoài công lập vào công lập dù trong tình hình chung, đây là việc không đơn giản, phải làm từng bước do nguồn lực không cho phép.

Đối với đội ngũ giáo viên mầm non hiện làm việc ngoài công lập chưa vào được công lập ngay theo lộ trình, Bộ đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vận dụng trong điều kiện ngân sách có thể để hỗ trợ cho họ được hưởng các chính sách như giáo viên mầm non công lập.

Theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân khiến đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu là do chế độ chính sách còn bất cập, chưa tạo động lực để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết bên cạnh kiên trì việc chuyển số cơ sở ngoài công lập vào nhà nước, cần tiếp tục ưu tiên kinh phí đầu tư xây trường lớp học, các phòng phụ trợ, nhà công vụ, trước hết ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường tuyển dụng, đào tạo giáo viên người địa phương; nâng cao trình độ đồng thời khuyến khích tạo điều kiện để giáo viên người Kinh học, hiểu tiếng dân tộc...

Để nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, theo Bộ trưởng, cần tăng cường tập huấn bồi dưỡng giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời sàng lọc, bổ sung đội ngũ kịp thời.

Cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cũng đã giải trình thêm những vấn đề về biên chế; đảm bảo kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non...

Đổi mới việc dạy và học phổ thông


Đối với giáo dục phổ thông, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Mặc dù vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa như mong muốn, còn những bất cập. Chương trình sách giáo khoa còn nặng nề, mang tính chất hàn lâm... là những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh những ưu điểm đáng kể, cần nghiên cứu, sửa đổi trong chương trình sách giáo khoa nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giáo dục toàn diện, tránh xa rời thực tế, mang nặng tính chất hàn lâm, gây khó khăn cho giáo viên và sự tiếp thu của học sinh.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, một trong những nguyên nhân là “chúng ta chưa thay đổi phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp thi nên SGK vẫn là truyền thụ kiến thức và yêu cầu học sinh nhắc lại kiến thức đó còn khả năng ứng dụng, vận dụng ít.” Do đó, xa rời thực tế và mang tính hàn lâm là “chuyện không tránh khỏi.”

Theo Bộ trưởng, cần có thiết kế cân đối, tổng thể hơn để đảm bảo số lượng giờ theo một khung phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng thực tế việc lồng ghép, tích hợp nhiều chương trình mà không bố trí nguồn lực thực hiện gây quá tải cho giáo viên và học sinh dẫn tới thời gian giảng dạy trên lớp không đảm bảo. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tích hợp là xu thế của thế giới nhưng quá trình đi theo xu thế đó ở Việt Nam có những chệch choạc cần rút kinh nghiệm đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tránh việc thiếu đồng bộ. Thực tế, không thể có một quy định cứng nhắc chung phù hợp cho tất cả các vùng miền. Do đó, trên cơ sở khung chung, các địa phương có sự lựa chọn cho phù hợp, tăng cường tính chủ động, quyết định của các địa phương.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng học lệch ở bậc phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết từ năm 2015, sẽ thực hiện tích hợp nhiều hơn để giảm dần các môn, giảm dần kiến thức hàn lâm, sách vở, đưa các kiến thức gần với cuộc sống, kỹ năng cần có của học sinh, thiết thực hơn vào chương trình giảng dạy đồng thời thay đổi cách thi và kiểm tra. Việc ra đề thi tuyển sinh sẽ hướng tới yêu cầu tổng hợp, phát huy vốn sống, gần với cuộc sống xã hội, suy nghĩ nhận thức của học sinh hơn. Để giải quyết việc này một cách căn bản, theo Bộ trưởng, phải tính toán đến việc đổi mới việc dạy và học từ thiết kế mục tiêu, chương trình đến sách giáo khoa, cách thi cử, đánh giá.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề như chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi; thanh tra việc dạy thêm học thêm; nhà trẻ cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi; xã hội hóa giáo dục mầm non; chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm; đẩy mạnh phân luồng...

Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều vấn đề trong giáo dục phổ thông phải chờ chu kỳ đổi mới sau năm 2015 mới có thể giải quyết căn bản được. Mặt khác, do tính hệ trọng của sự nghiệp “trăm năm trồng người,” việc đổi mới, thay đổi phải đảm bảo lâu dài, tiến hành từng bước, kiên trì, chuẩn bị đủ điều kiện để tránh duy ý chí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức phiên giải trình về một nội dung rất quan trọng nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội, được các vị đại biểu Quốc hội và xã hội quan tâm, với không khí trao đổi nghiêm túc, thẳng thắn, có trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua giải trình, có thể thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thực tiễn; đã quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục toàn diện cho học sinh, kể cả về kiến thức văn hóa và hình thành nhân cách. Đồng thời, giải trình đã làm rõ những mặt tích cực, hạn chế cũng như trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên qua, các địa phương trong triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, quan tâm đến việc giải ngân nguồn kinh phí 14.657 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông và chương trình sách giáo khoa; đổi mới công tác quản lý trong bậc học phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, quan tâm các vùng khó khăn; đảm bảo chất lượng chung nhưng có đặc thù, không cào bằng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng; phối hợp triển khai giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và giải trình của các bộ, ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất một số kiến nghị việc sửa đổi Luật Giáo dục với những quy định phù hợp hơn về giáo dục mầm non và chương trình sách giáo khoa phổ thông; đưa Luật nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những năm tới.

Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non và phổ thông; khẩn trương ban hành những văn bản còn thiếu và sửa đổi những văn bản không còn phù hợp, đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các Đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...; tập trung chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông đúng thực chất, tránh nặng nề, tốn kém.

Các địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục hiện tượng lạm thu trong nhà trường, tiêu cực trong thi cử, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thu hút các nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị.../.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục