Giáo chủ Iraq phản đối nước ngoài can thiệp vào việc chọn thủ tướng

Phát ngôn thông qua người đại diện tại thành phố Karbala, Giáo sỹ Sistani đã hối thúc các thủ lĩnh chính trị Iraq từ bỏ tư tưởng phe phái trong quá trình lựa chọn người đứng đầu chính phủ mới.
Giáo chủ Iraq phản đối nước ngoài can thiệp vào việc chọn thủ tướng ảnh 1Giáo sỹ hàng đầu theo dòng Hồi giáo Shiite ở Iraq Ali Sistani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12, Giáo sỹ hàng đầu theo dòng Hồi giáo Shiite ở Iraq Ali Sistani đã yêu cầu tiến trình lựa chọn thủ tướng mới tại Iraq cần được thực hiện mà "không có sự can thiệp của nước ngoài."

Phát ngôn thông qua người đại diện tại thành phố Karbala, Giáo sỹ Sistani đã hối thúc các thủ lĩnh chính trị Iraq từ bỏ tư tưởng phe phái trong quá trình lựa chọn người đứng đầu chính phủ mới.

Ông Sistani cũng đồng thời khẳng định ban lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite "không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào" trong các cuộc thảo luận lựa chọn người thay thế Thủ tướng Adel Abdul Mahdi.

Giáo sỹ Sistani bày tỏ hy vọng theo đúng thời hạn được quy định trong Hiến pháp Iraq, tân Thủ tướng và các thành viên trong chính phủ mới sẽ được lựa chọn trong vòng 15 ngày kể từ khi Quốc hội thông qua quyết định từ chức của ông Abdul Mahdi hôm 1/12 vừa qua.

Thủ lĩnh tinh thần Hồi giáo dòng Shiite nhấn mạnh thêm rằng "quá trình này cũng phải được tiến hành mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài."

[Quốc hội Iraq yêu cầu chỉ định thủ tướng mới trong vòng 15 ngày]

Hôm 30/11 vừa qua, Thủ tướng Abdul Mahdi đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội, mở đường cho các nghị sỹ có thể lựa chọn một chính phủ mới.

Quyết định này được cho là nhằm đáp lại lời kêu gọi thay đổi lãnh đạo của Giáo sỹ Ali Sistani trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự có nhiều bất ổn liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua.

Kể từ đầu tháng 10 vừa qua, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng.

Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cách đây gần hai năm.

Đã có hơn 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gây bạo loạn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục