GMS: Thúc đẩy đối phó với những thách thức trong thập niên mới

Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 9/9, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Chủ tịch ADB.
GMS: Thúc đẩy đối phó với những thách thức trong thập niên mới ảnh 1Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ chủ trì GMS lần thứ 7, dự kiến diễn ra ngày 9/9/2021 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia ra thông cáo báo chí về việc Thủ tướng nước này Samdech Techo Hun Sen sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7, dự kiến diễn ra ngày 9/9 tới bằng hình thức trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, các lãnh đạo khác tham dự GMS lần thứ 7 gồm Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Chủ tịch điều hành Hội đồng Nhà nước Myanmar Min Ang Hlaing, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Masatgusu Asakawa.

Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu đoàn gồm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Chea Sophara, Bộ trưởng Giao thông và Công chính Sun Chanthol và một số quan chức cấp cao khác.

[Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng]

Với chủ đề: “GMS: Lấy lại sức mạnh để đối phó với những thách thức trong thập niên mới”, hội nghị sẽ xem xét tiến trình hợp tác khu vực kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 diễn ra ngày 31/3/2018 tại Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch định hướng và hoạt động trong 3 năm tới với sự hỗ trợ của ADB.

Hội nghị cũng là cơ hội để các bên tham gia thể hiện cam kết và đóng góp vì một tiểu vùng hội nhập, thịnh vượng, bền vững và phát triển toàn diện hơn trong việc đối phó với các thách thức để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong phạm vi tiểu vùng, khu vực và rộng hơn nữa.

Chương trình của GMS dựa vào tham vấn và đối thoại giữa các thành viên GMS, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư tư nhân và nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục