Hà Nội phát hiện cá tầm nhiễm chất kháng sinh cấm

Hà Nội: phát hiện cá tầm nhiễm chất kháng sinh cấm

Nhiều mẫu thủy sản nhiễm hóa chất/chất kháng sinh cấm, trong đó có cá tầm, đã được phát hiện ở một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.
Cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản (Nafiqad) vừa phát hiện các mẫu thủy sản nhiễm hóa chất/chất kháng sinh cấm như Leuco Malachite và AOZ ở một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội.

[Cần giải pháp quyết liệt ngăn chặn cá tầm nhập lậu]

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết sau khi các cơ quan truyền thông thông tin về tình trạng nhập lậu cá tầm và một số mặt hàng thủy sản, Nafiqad đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản Hà Nội lấy ngẫu nhiên 30 mẫu (10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá trê, 10 mẫu cá quả) tại một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các chợ đầu mối ở quận Long Biên và Hoàng Mai để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mẫu cá này cho thấy có 1/10 mẫu cá tầm và 1/10 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Leuco Malachite. Bên cạnh đó, có 2/10 mẫu cá quả nhiễm hóa chất, kháng sinh cấp AOZ.

Chất Leuco Malchite được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thủy sản, trong khi chất AOZ được sử dụng để chữa các bệnh đối với thủy sản.

[Hải quan Hà Nội: Cá tầm lậu không đi qua Nội Bài]

Theo Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp, khi bị nhiễm chất kháng sinh, các sản phẩm thủy sản này sẽ không an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng.

Hiệp hội Cá nước lạnh cho biết mỗi năm, có đến 600-700 tấn cá tầm nhập lậu vào Việt Nam. Hầu hết những người buôn bán mặt hàng này đều không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo quy định của Luật An toàn Thực phẩm, các loại thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng sẽ bị các cơ quan chức năng thu hồi.

Theo quy định hiện hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ quản lý mặt hàng thủy sản tới các chợ đầu mối, trong khi các chợ bán lẻ thuộc quản lý của Bộ Công Thương.

Nhằm tăng cường quản lý các mặt hàng này, Nafiqad đề nghị các cơ quan quản lý chức năng cần có sự vào cuộc để kiểm soát tốt hơn các mặt hàng thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ cả ở các chợ bán lẻ và siêu thị.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cho rằng trong bối cảnh tình trạng nhập lậu thủy, hải sản đang diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục đã yêu cầu hệ thống thanh tra chuyên ngành, lực lượng thú y khẩn trương kiểm dịch thú y các loại thủy sản nhập lậu qua biên giới, nhất là cá tầm để đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục