Hà Nội: Số ca mắc sởi gia tăng, một bệnh nhi 4 tuổi tử vong

Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi, riêng trong tuần từ ngày 12/3-18/3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.
Hà Nội: Số ca mắc sởi gia tăng, một bệnh nhi 4 tuổi tử vong ảnh 1Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sởi đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi, riêng trong tuần từ ngày 12/3-18/3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.

Đáng lưu ý, theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho gần 90 ca mắc sởi, thủy đậu, trong đó có 1 ca tử vong do sởi là trường hợp bé trai N.K (sinh năm 2014, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi từ đầu năm đến nay mà Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận.

Cơ quan chuyên môn dự báo thời tiết mùa Hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... bùng phát.

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống.

Hiện nay, tiêm vắcxin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắcxin dạng đơn hoặc dạng phối hợp sởi-quai bị-rubella hoặc sởi-rubella) để phòng bệnh sởi. Do đó, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi thấy triệu chứng của các bệnh này, bệnh nhân cần được đưa đi khám sớm, theo dõi cẩn thận.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ bệnh sởi quay trở lại]

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Virus gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.

Để phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn. Các địa phương huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường. Hàng tháng các xã, phường, thị trấn tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường và căn cứ diễn biến dịch bệnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế.

Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tổ chức và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phòng chống các loại dịch bệnh cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã nâng cao năng lực dự báo dịch, giám sát phát hiện sớm yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch để có biện pháp dự phòng hiệu quả; đảm bảo đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất để xử lý dịch.

Cùng với đó, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch với các tỉnh, thành phố và các nước trên thế giới.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn, tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai sớm và thường xuyên chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, chủ động phòng chống bệnh sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục