Hạn chế dịch sốt xuất huyết bằng phương pháp sinh học

Cơ quan quản lý Môi trường Quốc gia của Singapore đang nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp sinh học để hạn chế sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết.
Hạn chế dịch sốt xuất huyết bằng phương pháp sinh học ảnh 1Người dân Singapore thường xuyên được nhắc nhở cách phòng chống muỗi gây sốt xuất huyết. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)

Cơ quan quản lý Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore đang nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp sinh học để hạn chế sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết bằng cách đưa một loại vi khuẩn vào muỗi đực Aedes để từ đó làm cho trứng muỗi, do muỗi cái giao phối với muỗi đực bị nhiễm khuẩn sản sinh, không thể nở được.

NEA cho biết họ đã thử dùng vi khuẩn Wolbachia tại phòng thí nghiệm, chứ chưa tiến hành tại thực địa, và đạt kết quả khả quan.

Một nhóm chuyên gia đã được thành lập để xác định việc sử dụng công nghệ này có an toàn hay không. Công nghệ này cũng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, Indonesia và Australia.

Tại lễ phát động chiến dịch diệt trừ muỗi tổ chức tại Đảo quốc Sư tử ngày 15/6, Bộ trưởng thứ hai phụ trách Môi trường và Nguồn nước Grace Fu cho biết phương pháp Wolbachia rất thú vị và nhiều khả năng sẽ được áp dụng tại Singapore.

Bà Grace Fu nhấn mạnh: “Chúng ta không phải chịu sức ép nào, nhưng chúng ta muốn chống lại bệnh sốt xuất huyết càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đảm bảo chắc chắn rằng việc áp dụng phương pháp này là tuyệt đối an toàn.”

Trong năm tháng đầu năm nay, khoảng 7.000 ca sốt xuất huyết được ghi nhận tại Singapore, giảm nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng thời kỳ cao điểm của bệnh này lại bắt đầu từ tháng Sáu và kéo dài đến hết tháng 10.

Năm ngoái ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết kỷ lục, 22.170 ca, trong đó có bảy ca tử vong.

Giáo sư Duane Gubler, Giám đốc Chương trình các Bệnh truyền nhiễm của Trường Đại học Y Duke-Đại học quốc gia Singapore (NUS), cho biết ngoài phương pháp Wolbachia, các công nghệ mới để giải quyết được bệnh sốt xuất huyết có thể được công bố trong khoảng thời gian từ 3-5 năm nữa, như các loại thuốc trừ sâu, vắcxin hoặc tân dược mới, và tất cả các phương pháp này chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi cùng được áp dụng với các biện pháp loại trừ các nguồn sinh sản muỗi.

Vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết đã được tập đoàn Sanofi Pasteur nghiên cứu sản xuất trong hơn 20 năm qua và vắcxin đầu tiên có thể được công bố vào cuối năm sau, và khi đó Singapore sẽ là một trong những nước đầu tiên dùng vắcxin này.

Bộ trưởng Fu cho biết trong năm tháng đầu năm, NEA đã tiến hành hơn 1,5 triệu đợt kiểm tra trên toàn quốc và NEA đã chuyển thông báo dự phiên tòa xét xử vì đã “nuôi muỗi” tới 373 hộ gia đình, công sở và công trình xây dựng, trong đó có 34 công trình đã phải ngừng hoạt động trong 10 ngày làm việc kể từ khi bị NEA phát hiện có chứa ổ “nuôi muỗi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục