Hạn chế xáo trộn trong xét tuyển đại học để ổn định tâm lý học sinh

Để ổn định tâm lý cho học sinh, nhiều trường đại học cho biết sẽ không tổ chức thi riêng trong năm nay, mà vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển.
Hạn chế xáo trộn trong xét tuyển đại học để ổn định tâm lý học sinh ảnh 1Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học trực tuyến tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cơ bản với phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất. Với một năm học nhiều biến động do dịch COVID-19, việc điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi là cần thiết. Tuy nhiên, phương án này vẫn khiến nhiều giáo viên và học sinh bất ngờ và lo lắng. 

Cần giảm tải và đảm bảo công bằng

Theo phương án đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay sẽ đổi thành thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020, trong 1,5 ngày với 3 buổi thi.

Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, cũng có thể có thêm các hình thức tuyển sinh riêng để phù hợp với chất lượng đào tạo.

Ở góc độ nhà trường, theo ý kiến của nhiều giáo viên, học sinh, nếu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông xong, thí sinh lại phải khăn gói về các thành phố lớn tham gia thêm vài kỳ thi để xét tuyển vào các trường đại học thì rất vất vả, tốn kém, tạo gánh nặng không nhỏ cho xã hội và đất nước vốn đã rất mệt mỏi và vơi cạn nguồn lực khi vừa phải đương đầu với đại dịch COVID-19 kéo dài.

Hiện nay, các nhà trường đang rất khó khăn trong việc dạy học vì dịch bệnh, do đó, mục đích cao nhất khi điều chỉnh phương án thi là phải giảm áp lực cho học sinh và cho xã hội.

Thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội chia sẻ việc tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay là đúng đắn bởi qua kỳ thi này, Bộ có thể đánh giá công bằng việc dạy và học của các nhà trường trên cả nước, dù trong thời điểm thuận lợi hay khó khăn.

Kỳ thi với mục đích chính để xét tốt nghiệp cũng thể hiện được tính nhân văn, giảm áp lực cho học sinh trong bối cảnh phải nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, công tác xét tuyển vào đại học sẽ khiến nhiều học sinh lo lắng, chưa cảm thấy yên tâm. Bởi lẽ, một số trường tổ chức thi riêng, thí sinh sẽ phải tham gia 2-3 kỳ thi với các hình thức khác nhau. Một số trường khác xét tuyển theo hồ sơ học bạ hoặc lấy điểm kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng việc đánh giá học sinh tại các nhà trường hiện nay đâu đó vẫn xảy ra tiêu cực nên còn không ít băn khoăn về việc đảm bảo công bằng cho học sinh.

Với một năm học nhiều biến động như hiện nay, các nhà trường và học sinh đều mong muốn giữ tính ổn định trong việc thi và xét tuyển.

Thầy Nguyễn Quý Xuân cũng cho rằng Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 nhưng để áp dụng trên thực tiễn cần có sự chuẩn bị trong thời gian tối thiểu 1 năm. Việc công bố phương án thi, tuyển sinh thực hiện từ đầu năm để nhà trường và học sinh không bị động.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội nêu quan điểm việc chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dường như đang tạo thêm áp lực cho học sinh. Nếu kỳ thi phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ, nhiều trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển thì thí sinh phải trải qua 2 kỳ thi rất căng thẳng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Mỹ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội bày tỏ thời điểm này chỉ còn 3 tháng nữa để học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Do đó, việc đưa phương án điều chỉnh thi như hiện nay khiến nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lo lắng. Mỗi trường đại học có cách tuyển sinh khác nhau, có trường xét hồ sơ học bạ, có trường thi đánh giá năng lực. Vì thế, học sinh hiện đang có áp lực tâm lý khá lớn, băn khoăn liệu có thích ứng kịp với hình thức tổ chức thi của các trường.

"Với giáo viên, chúng tôi cũng đang phải điều chỉnh nội dung học tập, ôn luyện cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời, cố gắng ổn định tâm lý cho các em, lưu ý với học sinh rằng, dù thi thế nào thì kiến thức nền tảng chung vẫn là cơ bản," cô Mỹ cho biết.

Học sinh không nên hoang mang

Nhìn nhận tích cực hơn, một số ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi để đảm bảo kết quả khách quan, trung thực và công bằng. Từ đó, Bộ cung cấp dữ liệu điểm thi đủ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng có thể dựa vào xét tuyển, giúp các trường ổn định công tác tuyển sinh như những năm trước đây, việc tổ chức kỳ thi riêng chỉ diễn ra ở một vài trường top trên sẽ góp phần giảm áp lực, lo lắng cho học sinh năm nay.

Theo cô Lê Hoài Nga, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), các em học sinh nên bình tĩnh, không vội hoang mang, ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập. Hiện nay, phần lớn các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh nên các em có thể thực hiện đăng ký như các năm trước. Với những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin. Các trường sẽ công bố đề thi tham khảo để các em sớm có hướng ôn tập.

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện nay một số cơ sở giáo dục đại học tốp trên đã có phương án tuyển sinh; một số cơ sở giáo dục đại học khác đồng thời công nhận phương thức đánh giá của những trường này.

Ví dụ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm nay thực hiện đánh giá năng lực bằng một buổi thi trên máy tính rất nhẹ nhàng và hiện đã có 57 trường đại học đăng ký nhận sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

[Kết quả thi THPT 2020 có thể sử dụng trong tuyển sinh đại học]

Ngoài ra, nhiều trường đại học cũng có xu hướng kết khối lại, tuyển sinh theo cụm trường. Bên cạnh đó, các trường cũng có thể sử dụng kết quả học bạ, kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh.

Hiện nay, để ổn định tâm lý cho học sinh, nhiều trường đại học cho biết sẽ không tổ chức thi riêng trong năm nay, mà vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển, dù biết đề thi có thể dễ hơn và giảm độ phân hóa do chỉ phục vụ mục đích để xét tốt nghiệp.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết trước đây, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức thi riêng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trường Đại học Kinh tế quốc dân quyết định tuyển sinh theo phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, nhằm tạo sự ổn định ở mức cao nhất cho thí sinh.

Hạn chế xáo trộn trong xét tuyển đại học để ổn định tâm lý học sinh ảnh 2Học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) học qua truyền hình tại nhà. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Đến thời điểm này, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 đã cơ bản được giải quyết phù hợp quy định của Luật Giáo dục, theo tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Đó là Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy nhưng phải bảo đảm chất lượng. Kỳ thi phân cấp mạnh cho các địa phương chịu trách nhiệm. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ thay thế cho Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia mọi năm trước đây.

Tuy nhiên, điều mà nhiều thí sinh và các thầy cô bậc phổ thông còn băn khoăn là cùng với sự điều chỉnh về tên gọi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và các cơ sở đại học sẽ có những điều chỉnh tiếp theo như thế nào về xét và tuyển sinh đại học; khi nào thì tất cả các cơ sở đại học công bố phương án tuyển sinh cho năm học mới 2020-2021?

Với các mùa tuyển sinh đại học trước, những thay đổi về xét và tuyển sinh đại học các em được quyền biết trước (từ tháng 3 hằng năm - thời hạn các trường đại học công bố đề án tuyển sinh riêng).

Năm nay, quyền tự chủ đương nhiên đã được giao cho các cơ sở đại học nhưng các thí sinh cũng cần có thời gian để chủ động thích ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục