Trong một động thái được nhìn nhận là có thể nhằm xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, ngày 28/8, Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Người Bảo vệ tự do Ulchi" (UFG), sớm hơn một ngày so với dự kiến trước đó.
Thông cáo báo chí của Sở Chỉ huy Lực lượng Liên quân (CFC) Hàn-Mỹ cho biết quân đội hai nước đã hoàn tất cuộc tập trận thường niên UFG.
Trong thông cáo trên, Tướng Mỹ Curtis M. Scaparrotti, Tư lệnh CFC, hiện chỉ huy 28.500 lính Mỹ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh cuộc tập trận UFG năm nay nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp phòng thủ của quân đội hai nước, đồng thời nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng liên quân và các quốc gia Liên hợp quốc phái cử.
Tướng Scaparrotti nói thêm rằng cuộc tập trận lần này dựa trên "các kịch bản thực tế" và đảm bảo các đồng minh luôn sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, một quan chức CFC giấu tên cho biết cuộc tập trận đã đạt mục tiêu đề ra.
Cuộc tập trận UFG trước đó dự kiến diễn ra từ 18-29/8, bất chấp sự phản đối gay gắt và đe dọa tấn công phủ đầu của Triều Tiên. Ngay trước ngày diễn ra cuộc tập trận thường niên này, Seoul đã đề xuất đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng song không nhận được phản hồi.
Một số nhà quan sát nói quyết định kết thúc sớm một ngày có thể là một phần trong các nỗ lực nhằm tránh gia tăng căng thẳng quân sự và để tiếp cận với miền Triều Tiên.
Trước đó, Bình Nhưỡng cảnh báo Seoul rằng Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc "tấn công phủ đầu" vào bất kỳ thời điểm nào nhằm đáp trả cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ thường niên này.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhận định cuộc tập trận UFG năm nay với sự tham gia của đông đảo các lực lượng quân đội Mỹ và Hàn Quốc đặt Bán đảo Triều Tiên vào "tình thế nguy kịch."
Hơn 30.000 lính Mỹ và 50.000 binh sỹ Hàn Quốc đã tham gia UFG năm nay. Tham gia cuộc tập trận UFG còn có binh lính 10 quốc gia khác gồm Australia, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, New Zealand và Na Uy, vốn từng gửi quân tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Cuộc chiến này đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn mà không phải một hiệp ước hòa bình chính thức, theo đó về mặt kỹ thuật Bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh./.