Hành động vì môi trường: Hiệu quả từ mô hình 'thùng rác Thạch Sanh'

Người dân thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh gọi là "thùng rác Thạch Sanh" bởi rác bỏ vào sẽ được cho thêm chế phẩm vi sinh, giúp rác hữu cơ phân hủy thành chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Hành động vì môi trường: Hiệu quả từ mô hình 'thùng rác Thạch Sanh' ảnh 1Hố ủ rác ở góc vườn nhà bà Nguyên. (Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)

Để đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã có những cách làm, mô hình điểm hiệu quả để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng, theo hướng phát triển an toàn, bền vững.

"Thùng rác Thạch Sanh"

Đông Anh là huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng thôn Nghĩa Vũ vẫn còn đó cây đa, bến nước, sân đình, đường làng phong quang, sạch đẹp.

Từ hơn một năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong sinh hoạt hằng ngày.

Rác thải hữu cơ như cơm thừa, rau quả bỏ đi… được cho vào "thùng rác Thạch Sanh" để ngay trong vườn rau của gia đình.

Người dân xã Nghĩa Vũ gọi vui với nhau là thùng rác "Thạch Sanh" bởi rác bỏ vào sẽ được cho thêm chế phẩm vi sinh do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cung cấp, giúp rác hữu cơ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng cho cây trồng, rác bỏ vào đầy rồi tự vơi.

Dẫn chúng tôi ra góc vườn nhà có một cái thùng rác đậy bằng lắp tôn xanh, bà Nguyên nhanh tay mở nắp đậy ra và cho cẳng rau vào, sau đó tưới chế phẩm sinh học.

Khi nào đầy nước rỉ rác, bà lấy ra, trộn với tro bếp, vôi bột rồi phủ đất lên, sau 30 ngày là có thể bón cho cây trồng. Khu vườn trước sân nhà bà Nguyên có nhiều loại rau, màu xanh mướt, đặc biệt là không phải dùng phân hóa học để bón.

Bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: "Chúng tôi phân loại rác ngay tại gia đình, rác bỏ đi như rau, củ, quả thừa sẽ được đưa vào thùng ủ, loại rác tái chế được thì để dành bán đồng nát. Việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn này vừa giúp sạch nhà vừa đem lại lợi ích về kinh tế."

Đầu năm 2021, huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tất cả các xã.

Việc phân loại rác thải tái chế ngay tại từng hộ gia đình đã giúp huyện giảm 50-70% tổng lượng rác thải phát sinh không phải chôn lấp. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 cũng giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước đó.

Nhận thấy lợi ích kép từ việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn, nhiều nhân tố nhiệt tình, các nhóm nòng cốt tại các thôn đã hoạt động hiệu quả, có giám sát, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn, từng bước được nâng cao...

Bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể phát huy vai trò nòng cốt trong việc phân loại, thu gom, kiên quyết không để rác thải tồn đọng trong ngày...

Ông Lê Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết rác thải hữu cơ là nguồn phân bón rất tốt cho rau, đảm bảo để cây trồng được an toàn.

Khi áp dụng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, các loại rác thải tái chế hay rác thải hữu cơ được phân loại cho vào túi nylon sẽ đảm bảo vệ sinh cho người vận chuyển, việc xử lý cũng được thuận tiện.

[Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương]

Năm 2021, huyện đã triển khai đến 3 xã làm điểm là Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng, sau đó tiếp tục nhân rộng đến 21 xã và thị trấn còn lại. Mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm.

Giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Dục Tú đã chỉ đạo các thôn tập trung làm tốt công tác xử lý rác thải tại chỗ.

Đài truyền thanh và các ban, ngành, đoàn thể, các thôn tích cực tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, nếu không phân loại sẽ bị từ chối không thu gom rác, giúp mọi người hiểu rõ kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường; từng bước thay đổi thói quen, tập quán để người dân dần hình thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong việc giữ gìn môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.

Chị Lê Thị Huế, trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Để đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, chúng tôi thực hiện tuyên truyền đến nhân dân bằng hệ thống loa truyền thanh, để nhân dân thực hiện việc phân loại rác. Hơn nữa, để mô hình phân loại rác đạt hiệu quả cao, tôi mong muốn lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa việc cung cấp men vi sinh và thùng ủ cho các hộ dân, từ đó tạo động lực cho nhân dân trong việc phân loại rác tại hộ gia đình."

Nhân rộng mô hình tốt

Năm 2021, huyện phát sinh trung bình gần 240 tấn rác thải/ngày và tăng gấp nhiều lần vào các đợt cao điểm lễ, Tết. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về nội dung phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa, rác thải nguy hại… theo hướng bền vững và triển khai đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND ngày 27/1/2021 của Ủy ban Nhân dân huyện về việc phân loại rác tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn.

Một trong những kết quả là người dân đã dần nâng cao nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn. Ban đầu các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, từng bước hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch huyện Đông Anh cho biết: "Sau quá trình thí điểm, chúng tôi thấy có được sự vào cuộc tích cực của người dân. Nhờ có các chương trình, tổ chức hội thảo cũng như sự trao đổi của cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể nên nhận thức của người dân bước đầu đã có sự thay đổi. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng để khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, tất cả người dân đã được tiếp cận, nắm bắt thông tin ngay từ đầu. Do đó, khi triển khai những nội dung liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn, người dân đã nắm bắt và thực hiện những nội dung đó trước một bước."

Năm 2022, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục triển khai phân loại rác thải cho 24 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học, phấn đấu đạt 35% chỉ tiêu (số hộ, đơn vị triển khai), giao nhiệm vụ cụ thể đến các xã, thị trấn.

Việc tích cực triển khai nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn sẽ nâng cao được nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển, đem chôn lấp, thu được nguồn phân bón hữu cơ và một số nguyên liệu có thể tái chế.

Để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được triển khai hiệu quả, cần có những giải pháp thực thi Luật toàn diện, quyết liệt của các cấp, ngành và từng địa phương, sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, mỗi người dân cùng hành động và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất hằng ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục