Hàn-Nhật tham vấn về tranh chấp liên quan đến ngành đóng tàu

Hồi tháng Sáu, Nhật Bản đã khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu của Chính phủ Hàn Quốc.
Hàn-Nhật tham vấn về tranh chấp liên quan đến ngành đóng tàu ảnh 1Một tàu chở hàng container đang được đóng mới tại xưởng đóng tàu của Daewoo DSME ở Okpo, cách thành phố Busan khoảng 60km về phía nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc ngày 20/12 đã tiến hành tham vấn song phương với Nhật Bản về tranh chấp liên quan tới ngành đóng tàu.

Hồi tháng Sáu vừa qua, Nhật Bản đã khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu của Chính phủ Hàn Quốc.

Tokyo cho rằng việc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và Tổng Công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (KSURE) hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo, Công ty đóng tàu Sungdong, Công ty đóng tàu STX về khoản vay, bảo lãnh, bảo hiểm, đã vi phạm Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) của WTO.

[Nhật Bản: Phán quyết của Hàn với Mitsubishi là không thể chấp nhận]

Tokyo đề nghị Seoul tiến hành tham vấn song phương về vấn đề này.

Theo quy định, nếu một quốc gia nhận được đề nghị tham vấn song phương, quốc gia đó có nghĩa vụ phải tiến hành tham vấn với quốc gia khởi kiện trong vòng 30 ngày.

Tham vấn song phương là bước khởi đầu của quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận sau khi tham vấn, thì quy trình xét xử tranh chấp sẽ chính thức bắt đầu.

Phía Seoul đã giải thích rằng các cơ quan tài chính của Hàn Quốc đã hỗ trợ tái cơ cấu ngành công nghiệp đóng tàu sau khi xem xét về mặt thương mại, và việc hỗ trợ là hoàn toàn phù hợp với quy định quốc tế.

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ xem xét kết quả tham vấn song phương lần này để quyết định lịch trình tham vấn tiếp theo trong thời gian tới.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành thảo luận giữa các ban ngành hữu quan, để đối phó với trường hợp hai nước bước vào quy trình giải quyết tranh chấp chính thức, như thành lập Ban hội thẩm tại WTO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục