Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ

Theo chuyên gia, bản thân cha mẹ trẻ tự kỷ cũng phải học các kỹ năng, kiến thức, và thực hành một cách kiên nhẫn và đầy đủ để giúp thúc đẩy quá trình trị liệu được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 1Các tác phẩm hội họa và điêu khắc của những nghệ sỹ bé tự kỷ tại triển lãm. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Những tác phẩm hội họa và điêu khắc thể hiện sự ngây thơ, tinh tế, và sinh động trong thế giới quan và suy nghĩ của những nghệ sỹ bé mắc chứng tự kỷ trong khuôn khổ triển lãm “Iu iu iu” tại Hà Nội đã và đang thu hút được đông đảo người quan tâm.

Triển lãm với chủ đề “Lan tỏa tình yêu dành cho trẻ tự kỷ” là một trong nhiều hoạt động xuyên suốt tháng Tư của Công ty Xã Hội Tòhe nhằm hưởng ứng “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ” của Liên hợp quốc (ngày 2/4), Phan Thanh Vân, Giám đốc Truyền thông của Tòhe, đơn vị tổ chức triển lãm “Iu iu iu” cho biết.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 2Các tác phẩm hội họa và điêu khắc của những nghệ sỹ bé tự kỷ tại triển lãm. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Là một trong số không nhiều tổ chức và cá nhân có mối quan tâm đặc biệt tới trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở Việt Nam, suốt 12 năm qua, Tòhe đã và đang đồng hành và mở rộng hơn nữa các hoạt động nhằm giúp đỡ nhóm trẻ em yếu thế này.

“Ngành công nghiệp sáng tạo có tiềm năng rất lớn. Vợ chồng mình sáng lập doanh nghiệp Tòhe nhằm khai thác giá trị và tính ứng dụng của các sản phẩm của các nghệ sĩ tự kỷ, đồng thời để có kinh phí bền vững cho các hoạt động xã hội,” Phạm Thị Ngân, đồng sáng lập Tòhe nói với phóng viên TTXVN.

“Cái tên ‘Tòhe’ được lấy cảm hứng từ một món đồ chơi dân gian, vừa có thể chơi, vừa ăn được, giống như trẻ vừa có sân chơi nghệ thuật sáng tạo, vừa được hưởng lợi từ những tác phẩm nghệ thuật hồn nhiên của chính mình,” Ngân nói.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 3Vợ chồng chị Phạm Thị Ngân, những người sáng lập Tòhe. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Năm 2016, Phạm Thị Ngân đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn là một trong 121 Lãnh đạo Trẻ Toàn Cầu, ghi nhận những hoạt động mang ý nghĩa toàn cầu của Tòhe mà Ngân là người khởi xướng.

“Mình xem đó là một sự ghi nhận sứ mạng của Tòhe hơn là một giải thưởng cho cá nhân mình,” Ngân nói, và cho biết thêm bản thân cô cũng thay đổi rất nhiều từ khi làm việc với các trẻ yếu thế.

[Hãy để nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ tự kỷ]

Các hoạt động chính của Tòhe bao gồm các lớp học, sân chơi nghệ thuật, giải trí, mang lại cho trẻ khuyết tật vận động và trẻ mắc hội chứng tự kỷ cơ hội học hỏi, trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân một cách hồn nhiên và kết nối với cộng đồng. Trong 12 năm qua, Tòhe đã thu hút sự tham gia của khoảng hơn 2.000 trẻ, Phan Thanh Vân nói.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 4Một lớp học họa của các trẻ tự kỷ do Tohe tổ chức. (Nguồn: Tohe)

Tòhe bắt đầu bằng những hoạt động giản dị, như trang trí, thắp đèn, nhân viên mặc quần áo màu xanh lơ, hoặc thiết kế các bộ sưu tập dựa trên ý tưởng nghệ thuật của trẻ khiếm khuyết.

Năm nay, Tòhe tổ chức triển lãm “Iu iu iu” và ba hội thảo, chủ đề “Thiền cân bằng tâm lý dành cho cha mẹ có con tự kỷ” ngày 18/4; “Tự kỷ: Phát hiện sớm để can thiệp sớm” ngày 21/4; và “Ứng xử với trẻ tự kỷ ở cộng đồng” ngày 22/4 với sự tham dự của các diễn giả là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực liên quan.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 5Tại hội thảo 'Thiền cân bằng tâm lý dành cho cha mẹ có con tự kỷ' ngày 18/4. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Vân vui mừng chia sẻ ba hội thảo này đã thu hút đối tượng quan tâm và tham dự rất đông đảo và da đạng, như cha mẹ có con tự kỷ, bạn học của con bị tự kỷ, cô giáo ở trường giáo dục đặc biệt, mầm non thông thường, sinh viên đang học ngành tâm lý và công tác xã hội.

Vân hy vọng những hoạt động của Tòhe sẽ giúp cha mẹ trẻ tự kỷ cởi mở hơn với cộng đồng, cũng như lan tỏa tình yêu dành cho trẻ tự kỷ, từ đó góp phần thay đổi cái nhìn của cộng đồng với trẻ tự kỷ, từ những cá nhân khiếm khuyết thành những thành viên có tài năng đặc biệt, có thể đóng góp cho đời theo cách đặc biệt của họ.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 6Triển lãm trưng bày ảnh chân dung và các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ tự kỷ. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Hội chứng tự kỷ, bạn có biết?

Theo bác sỹ Ngô Thị Vân Lanh, Phó trưởng Khoa Tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, tự kỷ là tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa do bất thường của não bộ trẻ, khởi phát sớm trong ba năm đầu đời và tồn tại kéo dài nếu không được điều trị.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tự kỷ. Có thể là do tổn thương não bộ, các tác động môi trường, thực phẩm, nhiễm độc trong thai kỳ, hoặc do gene. Song ít trường hợp có thể xác định chính xác nguyên nhân cụ thể là gì.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 7Bác sỹ Lanh, Phó trưởng Khoa Tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Các biểu hiện điển hình của hội chứng tự kỷ là trẻ giao tiếp bằng mắt kém, phản ứng với màu sắc, ánh sáng chậm. Trẻ không hòa nhập với bạn và mọi người xung quanh, chỉ chơi một mình, hoặc làm một việc gì đó lặp đi lặp lại.

“Cha mẹ nên quan tâm, dành thời gian cho con nhiều hơn, không bỏ mặc con chơi game, xem tivi quá nhiều và quá lâu. Đó là một trong những yếu tố mới khiến số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng trong những năm gần đây,” bác sỹ Lanh khuyến cáo.

Theo bác sỹ Lanh, giai đoạn vàng điều trị cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ là từ 18-36 tháng tuổi.

“Trẻ được phát hiện và trị liệu trong thời kỳ này sẽ có hiệu quả nhanh và mỹ mãn nhất,” bác sỹ Lanh cho biết.

“Trẻ thông thường hơn một tuổi đã có khả năng phát âm, cử chỉ giao tiếp và tương tác tốt với cha mẹ. Trường hợp cha mẹ nghi ngờ con mình có những biểu hiện tự kỷ thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt,” bác sỹ Lanh nói.

Con tự kỷ, hãy là cha mẹ sáng suốt

Theo bác sỹ Lanh, có rất nhiều phương pháp trị liệu tự kỷ khác nhau hiện đang được ứng dụng riêng lẻ hoặc kết hợp, như châm cứu, thủy châm, giáo dục chuyên biệt, thông qua âm nhạc, hội họa…

Bác sỹ Lanh khẳng định dù là phương pháp nào, vai trò của gia đình bệnh nhi cũng luôn đóng vai trò quyết định. Do vậy, bản thân cha mẹ trẻ tự kỷ cũng phải học các kỹ năng, kiến thức, và thực hành một cách kiên nhẫn và đầy đủ để giúp thúc đẩy quá trình trị liệu được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Ngày nay, ngày càng có nhiều địa chỉ điều trị tự kỷ, từ các cơ sở y tế các cấp cho đến các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên, cũng không ít nơi đặt vấn đề kinh doanh lên trên giá trị đạo đức và nhân văn. Cha mẹ trẻ tự kỷ cần phải sáng suốt lựa chọn những cơ sở trị liệu, giáo dục có uy tín để tránh bị tiền mất mà tật con vẫn mang,” bác sỹ Lanh nói.

Bà cũng khuyên cha mẹ có con tự kỷ nên cởi mở và đối diện với thực tế của con để thuận lợi cho việc điều trị.

Hội chứng tự kỷ hiện nay được xem là một dạng khuyết tật. Người mắc chứng tự kỷ được nhận trợ cấp xã hội từ 300.000-800.000 đồng mỗi tháng, bác sỹ Lanh nói và khuyên cha mẹ trẻ tự kỷ nên làm giấy chứng nhận cho con để nhận trợ cấp của nhà nước, giúp giảm gánh nặng về tài chính.


Sự chung tay của các cấp, các ngành

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều những chính sách, chương trình và dự án quan tâm tới trẻ em thiệt thòi, trong đó có trẻ tự kỷ, về giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và các chế độ an sinh xã hội khác.

Bé P, 4 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội được gia đình phát hiện có các biểu hiện mắc hội chứng tự kỷ từ lúc 18 tháng tuổi. Tới 36 tháng tuổi, gia đình đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau sáu tháng, hiện P đã có nhiều tiến triển.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 8NMẹ con bé P tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

“Bây giờ P đã nói được âm đôi. Bé biết những mối nguy hiểm như gây bỏng, điện giật và không chạy nhảy mất kiểm soát. Sáu tháng điều trị tại bệnh viện, mọi chi phí điều trị cho P đều được bảo hiểm y tế dành cho trẻ sáu tuổi chi trả toàn bộ,” mẹ P vui vẻ nói.

Bé T, 4 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đang được điều trị nhắc lại tại Bệnh viện Châm cứu Trung Ương sau hơn một năm điều trị tích cực bằng phương pháp châm cứu, thủy châm, và kết hợp giáo dục đặc biệt. Cũng như P, mọi chi phí điều trị cho bé T đều được bảo hiểm y tế chi trả.

“Trước kia, T không biết nói, không biết nhai, không biết thể hiện các nhu cầu của mình. Sau hơn một năm điều trị từ lúc 26 tháng tuổi, hiện con biết chơi đùa, tập trung chú ý, và ăn uống như đứa trẻ bình thường.”

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ trong những năm gần đây đã được triển khai.

Từ năm 2014, Quỹ đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc để thực hiện hoạt động hỗ trợ hàng trăm trẻ em tự kỷ trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" mới được công bố cũng là một trong các hoạt động của Quỹ với mong muốn giúp hàng ngàn trẻ em tự kỷ hòa nhập cộng đồng, đồng thời góp phần tiếp tục xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ ảnh 9NÔng Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trình bày dự án 'Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em.' (Ảnh: Phương Vũ/Vietnam+)

Dự án sẽ biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam, đào tạo nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ, hỗ tợ trẻ em tự kỷ, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ.

Nếu tính theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số này chừng 500.000 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục