Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn

Điều may mắn nhất với mình, anh Houmphaeng tâm sự, là có nhiều bạn Việt Nam đã cư xử hết sức thân thiện và giúp đỡ, làm mình cảm nhận được những yêu thương, quan tâm trong thời gian học ở Việt Nam.
Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn ảnh 1Houmphaeng Vilayphone, cựu sinh viên Lào tại Việt Nam, hiện là Phó Ban Thời sự Đài Truyền hình Quốc gia Lào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Mình nhiều chuyện để nhớ và kể về Việt Nam lắm,”​ anh Houmphaeng Vilayphone, Phó Ban Thời sự Đài Truyền hình Quốc gia Lào, đã mở đầu câu chuyện về thời học tập tại Việt Nam với chúng tôi bằng một câu nói vui như vậy.

Sang học thạc sỹ báo chí từ năm 2007, anh Houmphaeng Vilayphone, tên thân mật được các bạn Việt Nam gọi là Pheng, đã có mấy năm gắn bó thân thiết với đất nước, con người Việt Nam. Kết thúc khóa học và trở về làm việc tại Đài Truyền hình Quốc gia Lào đã lâu nhưng anh vẫn giữ liên lạc với rất nhiều người bạn Việt và thường xuyên quay lại thăm Việt Nam mỗi khi có cơ hội.

Học hành khá gian nan nhưng đầy ắp niềm vui

“Khi sang đến Việt Nam, mình hầu như chưa biết tí gì về tiếng Việt, chỉ trừ vài từ ít ỏi và cơ bản nhất như ​'ăn cơm,' ​'đi​,' ​'chào​'….Khi đó, các sinh viên Lào đều được tập trung học dự bị tiếng Việt tại trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị hiện giờ là trường Hữu nghị T78. Và những ấn tượng về thời kỳ làm quen với Tiếng Việt vẫn đọng mãi trong tâm trí những lưu học sinh chúng mình," anh Houmphaeng Vilayphone kể lại.

"Ngữ pháp Việt Nam khó lắm, khó hơn rất nhiều so với tiếng Lào. Mình vẫn còn nhớ câu tiếng Việt của các bạn là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Có lần mình hỏi cô giáo là cô ơi sao tiếng Việt phức tạp thế, sai một tí là câu sai nghĩa luôn. Cô giáo cười trả lời mình ​'Không Pheng ơi, Tiếng Việt không phức tạp mà là Tiếng Việt phong phú…,​' còn mình thì cười trừ vì ​'Phong phú làm mình hay sai lắm ấy.​'''

"Ngoài ra, Tiếng Việt có dấu nên học sinh Lào như mình học khá vất vả, khó nhất là dấu hỏi và dấu nặng. Có rất nhiều chuyện buồn cười và hiểu lầm xung quanh việc phát âm tiếng Việt mà đến tận bây giờ mấy bọn mình còn nhớ mãi.

Thời gian đầu khi mới sang, học sinh chúng mình đã được làm quen với món ăn Việt Nam, gặp món thịt ba chỉ kho Tàu bọn mình thích ăn lắm. Thịt ba chỉ chuyển sang tiếng Lào gọi là xin xảm xăn, thế nhưng cả lũ nghe sai thế là suốt ngày gọi món đó là ​'Thịt ba tường,​' ​'cô ơi em thích ăn thịt ba tường​' làm mọi người lại cười bò ra."

Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn ảnh 2Đoạn văn tự giới thiệu về mình khi đang học của anh Houmphaeng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Có eng lần nào trên lớp cô giáo hỏi ​'Ai xung phong trả lời​,' eng lập tức đứng lên ​'Thưa cô em không trả lời được..​,' bạn biết vì sao không," anh Houmphaeng Vilayphone thích thú hỏi phóng viên rồi lại vui vẻ tự trả lời luôn "Eng ý tên là Xu phôn, nghe tiếng Việt chưa rõ cứ nghe thấy Xung phong là tưởng gọi mình nên phải lật đật đứng dậy luôn.​"

"Ngoài giờ học tiếng Việt thầy cô đã giảng trên lớp, mình và mấy bạn rủ nhau thuê xe đạp đi thăm thú khu vực xung quanh, vừa tự mua sắm đồ ăn và đồ dùng ở chợ, vừa có cơ hội nói chuyện, trao đổi tiếng Việt với người bán hàng. Ra chợ, chúng mình ấm ớ lắm. Thấy người bán nói giá tiền, muốn mặc cả mà không biết nói thế nào cứ thế tuôn ra câu: ​"Việt-Lào hữu nghị, Việt-Lào hữu nghị…​" Cũng may người dân nhìn mặt là biết học sinh của ​'trường Lào​' thế là cười giảm giá bán cho.

Có bạn rất sáng kiến, vừa học ở trên lớp cô dạy ​'Em bao nhiêu tuổi?​' thế là ra chợ áp dụng luôn để hỏi giá rau​ 'Chị ơi rau này 1 mớ bao nhiêu tuổi?'….."

Thế nhưng chính những tình huống dở khóc dở cười ấy đã giúp anh Houmphaeng Vilayphone cùng các bạn biết cách dùng từ tiếng Việt. Cứ vòng quay lên lớp nói chuyện với giáo viên, ra chợ, đi dạo bắt chuyện với người dân mà sau hai ba tháng, các học sinh Lào đã có thể tạm giao tiếp với các thầy cô.

"Sau 9 tháng học dự bị ở trường Hữu nghị T78, học sinh Lào chúng mình đã nắm khá chắc tiếng Việt, nghe mọi người nói là đã nghe và viết khá tốt. Kết thúc 9 tháng học dự bị, những du học sinh Lào chúng mình tách nhau ra vào các trường khác nhau theo lựa chọn từ bên Lào.

Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn ảnh 3Bạn bè Việt đến cổ vũ anh Houmphaeng Vilayphone trong ngày bảo vệ luận văn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mình bước vào học năm thứ nhất cao học báo chí tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, trong lớp K14 có 29 thành viên. Việc học lúc đầu khá căng thẳng với mình vì mình chép bài không kịp. Nghe thầy cô giảng khá khó khăn vì có khi thầy cô nói giọng vùng miền địa phương, mình dùng luôn điện thoại ghi âm, về ký túc xá nghe lại, có khi phải mượn vở của các bạn Việt Nam."

[Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí]

Anh Houmphaeng Vilayphone chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của mình, việc giao lưu với các bạn học và người dân giúp ích rất lớn trong học tiếng. Mình thường xuyên lên ký túc xá nói chuyện, hỏi bài các bạn Việt Nam, tham gia ăn uống giao lưu thể thao. Lúc ban đầu có thể nói sai, chưa hiểu mấy nhưng dần dần chính các bạn dạy mình từng chữ, từng câu."​

"Khi đi thi mình viết rất chậm vì còn phải nghĩ viết thế nào cho thầy cô hiểu, nhưng bao giờ mình cũng liên hệ với thực tế bên Lào thế là các thầy cô cho điểm cao. Mà mình thấy là khi nào các bài thực tế mà mình viết về Bác Hồ là hay được điểm cao lắm," ​anh hóm hỉnh nói.

Học ở Việt Nam luôn cảm thấy ấm áp như ở nhà

"Điều may mắn nhất với Pheng," anh cho biết, "là có nhiều bạn Việt Nam đã cư xử hết sức thân thiện và giúp đỡ, làm cho mình cảm nhận được những yêu thương, quan tâm trong suốt thời gian ở Việt Nam."

Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn ảnh 4 Anh Houmphaeng Vilayphone và bạn bè trong ngày bảo vệ luận văn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Con người Việt Nam rất thân thiện nên mình cảm thấy như ở nhà mình, ở đất nước mình ấy, Pheng đi đâu cũng được các bạn chào đón và giúp đỡ.

Các bạn trong lớp tốt lắm, nhiệt tình lắm, hay mang vở đưa cho mình chép hoặc giải thích lại. Mấy bạn trong lớp như Thuận, Lan, Hồng, đi đâu cũng kéo Pheng đi, hay rủ mình đi khám phá, giới thiệu mọi ngóc ngách của Hà Nội uống càphê, ăn các món ăn đường phố như bún chả, bún thang, lẩu, bia tươi.”

“Món ăn Việt Nam rất ngon, món bún miến cua ở ngã tư trường Đảng Hoàng Quốc Việt là ngon lắm nhé, các bạn nên tìm đến để thử. Và giờ dù đã về nước công tác từ rất lâu nhưng tuần nào nhóm bạn cùng du học tại Việt Nam chúng mình cũng rủ nhau đi ăn món Việt tới 2-3 lần.

Nhiều bạn còn rủ mình về quê, cho mình làm quen với gia đình và quê hương các bạn. Có khi đi học buổi sáng thì chiều đi theo các bạn đi chơi, về quê các bạn mấy ngày luôn, kể cả ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…"

Học ở Việt Nam giúp mình cảm nhận niềm vui và ấm áp tình bạn ảnh 5Anh Houmphaeng Vilayphone trong khi tác nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Đến năm cuối, khi làm luận văn về đề tài “Nâng cao chất lượng chương trình truyền hình trực tiếp trên đài Truyền hình quốc gia Lào”, bạn cùng lớp là Trần Thị Thuý Lan (giờ là bạn ấy đang làm ở Ban quản lý Phố cổ Hà Nội) còn cẩn thận sửa từng lỗi từ, câu cú, ngữ pháp trong luận văn cho mình,” anh Houmphaeng Vilayphone nhớ lại

Những tình bạn ấm áp luôn được Pheng trân trọng và gìn giữ. “Đến giờ mình vẫn giữ liên lạc với rất nhiều bạn Việt Nam, các bạn cũng thường hỏi han, chuyện trò với mình qua mạng xã hội.”

“Mỗi khi có dịp sang Việt Nam, đến Hà Nội là mình lại hẹn hò các bạn cùng lớp báo chí đi cà phê, chuyện trò, có lần mình sang vội không kịp gặp là các bạn trách móc,” anh khoe.

“Có thể nói, trong ba năm học ở Việt Nam, mình đã thật sự biết được thế nào là sự ấm áp của người dân Việt Nam dành cho Lào, cảm nhận được tình đoàn kết Việt-Lào. Mình đã kết bạn với rất nhiều, rất nhiều bạn Việt Nam, coi họ trở thành anh chị em và cũng được họ coi là người bạn thân thiết, luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau,” anh Houmphaeng Vilayphone khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục