Học sinh 13 tỉnh thành tranh giải cuộc thi Giai điệu tuổi hồng

Vòng chung kết có sự tham gia của 65 tiết mục đến từ 13 tỉnh, thành. Ban giám khảo sẽ chấm điểm để chọn ra 48 tiết mục xuất sắc nhất để trao giải với 8 giải nhất, 16 giải nhì và 24 giải ba.
Học sinh 13 tỉnh thành tranh giải cuộc thi Giai điệu tuổi hồng ảnh 1Học sinh biểu diễn tiết mục ở vòng chung kết. (Ảnh: BTC)

Tối 2/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban  Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ khai mạc vòng chung kết hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc lần thứ XII, năm 2022.

Vòng chung kết có sự góp mặt tranh tài của 65 tiết mục của 13 đoàn đến từ các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những tiết mục xuất sắc nhất được lựa chọn từ gần 3.600 tiết mục dự thi cấp cơ sở.

Phát biểu khai mạc hội thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh văn hóa, văn nghệ trong nhà trường là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

[82 đội tuyển dự giải bóng đá học sinh Trung học phổ thông Hà Nội]

Ban giám khảo sẽ chấm điểm để chọn ra 48 tiết mục xuất sắc nhất để trao giải với 8 giải nhất, 16 giải nhì và 24 giải ba. Ngoài ra còn có một giải nhất, hai giải nhì, bốn giải ba và 6 giải khuyến khích toàn đoàn cho các đoàn tham gia vòng chung kết.

Hội thi là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Được bắt đầu tổ chức từ tháng 5/2022, hội thi trải qua các vòng thi cấp tỉnh, cấp cụm được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 10/2022, hội thi thu hút sự tham gia của học sinh đến từ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước với tổng số 925 đoàn và gần 3.600 tiết mục.

Hội thi nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, giá trị thẩm mỹ, góp phần giáo dục toàn diện đức-trí-thể-mỹ cho học sinh phổ thông đồng thời là sân chơi để học sinh được thể hiện tài năng, năng khiếu nghệ thuật, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường và trong toàn ngành giáo dục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục