Hội thảo về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và dấu ấn Hồ Chí Minh

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những điểm tương đồng trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của hai lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo "Quan hệ ngày càng phát triển và dấu ấn Hồ Chí Minh," (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)
Hội thảo "Quan hệ ngày càng phát triển và dấu ấn Hồ Chí Minh," (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Ngày 24/11 tại Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR) ở Kolkata, Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Quan hệ ngày càng phát triển và dấu ấn Hồ Chí Minh."

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Ấn; Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal Geetesh Sharma, Giáo sư Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Ấn Độ, cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Ấn Độ.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Ấn Độ cho biết, tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ chính trị-ngoại giao hết sức tốt đẹp, lòng tin chính trị cao.

Sự tin cậy đó luôn được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng vững chắc, dựa trên các mối liên kết lâu đời, bền vững về lịch sử văn hóa, sự hiểu biết, tin cậy, cũng như sự ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh giành, độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Các đại biểu đã thảo luận về những điểm tương đồng trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của hai lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[Việt Nam thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Ấn Độ]

Tiến sỹ Nguyễn Trần Tiến, Giảng viên Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khẳng định tư tưởng của Gandhi về chân lý, hòa bình và phi bạo lực đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trên thế giới, trong đó có cuộc cách mạng ở Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Sự lãnh đạo và các thông điệp về tự do và nhân loại của Gandhi và Hồ Chí Minh đã đưa hai tộc đến độc lập tự do.

Trên con đường giải phóng dân tộc của mình, Gandhi và Hồ Chí Minh đã "gặp nhau" ở tư tưởng triết học với cùng một mục tiêu cao cả: đấu tranh giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột của đế quốc và thực dân.

Bên lề hội thảo cũng diễn ra triển lãm tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội thảo về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và dấu ấn Hồ Chí Minh ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cùng các đại biểu Việt Nam và Ấn Độ tham quan triển lãm tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Phòng triển lãm trưng bày khoảng 40 bức tranh về dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần đến Ấn Độ và những câu nói nổi tiếng của Người.

Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ."

Cuốn sách do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn. Cuốn sách thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được chia làm 4 phần.

Phần đầu là các bài viết, thư, điện, thơ của Hồ Chí Minh về Ấn Độ và với Ấn Độ. Phần cuối là những hình ảnh ghi lại kỷ niệm về hoạt động của Bác Hồ với Ấn Độ và quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Phần hai và phần ba có số lượng trang nhiều hơn, tổng hợp những bài viết của các học giả Việt Nam và Ấn Độ về Hồ Chí Minh, về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Hội thảo về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ và dấu ấn Hồ Chí Minh ảnh 2Lễ ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ". (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục