Interpol dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với chính quyền Syria

Động thái đó đồng nghĩa với việc Syria lại có thể nhận và gửi thông tin trực tiếp với các văn phòng quốc gia khác thuộc Interpol, những quyền tiếp cận này đã bị đình chỉ từ năm 2012.
Interpol dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với chính quyền Syria ảnh 1Trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Syria ngày 19/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ngày 7/10 cho biết đã cho phép Syria tham gia trở lại mạng lưới trao đổi thông tin của tổ chức này, qua đó dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad được áp đặt từ năm 2012.

Tuyên bố của Interpol nêu rõ theo khuyến nghị từ trụ sở Ban Tổng thư ký của tổ chức này, Ủy ban điều hành Interpol xác nhận rằng các biện pháp hạn chế đối với Syria sẽ được dỡ bỏ.

Động thái đó đồng nghĩa với việc Syria lại có thể nhận và gửi thông tin trực tiếp với các văn phòng quốc gia khác thuộc Interpol. Những quyền tiếp cận này đã bị đình chỉ từ năm 2012 dựa trên các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Damascus. 

Tuy nhiên, Syria không có quyền như một quốc gia thành viên là phát lệnh bắt giữ quốc tế "Cảnh báo đỏ," thay vào đó Damascus có thể yêu cầu Ban Tổng thư ký Interpol làm điều này. Syria gia nhập Interpol vào năm 1953.

[Syria: Thổ Nhĩ Kỳ rút một phần quân đội khỏi tỉnh miền Bắc Idlib]

Cũng liên quan vấn đề Syria, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn thêm 1 năm lệnh trừng phạt của nước này vốn áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019.

Tuyên bố của ông Biden nêu rõ tình hình ở Syria và xung quanh nước này, đặc biệt là những hành động của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria, đang làm suy yếu chiến dịch tiêu diệt tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cũng như gây nguy hiểm cho dân thường và đe dọa phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. 

Việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 là do hành động quân sự của Ankara triển khai tại Syria và chiến dịch chống lại lực lượng người Kurd tại quốc gia Trung Đông này.

Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt các cá nhân và thực thể của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng cùng một số quan chức khác. 

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Erdogan cho biết ông Joe Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên mà ông không thể thu xếp được một cuộc đối thoại chính thức.

Ông cáo buộc chính quyền hiện tại của Mỹ tiếp tục gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục