Iran để ngỏ khả năng duy trì đầy đủ thỏa thuận hạt nhân

Phát biểu với các phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Zarif cho biết trong hoàn cảnh nhất định, Iran có thể thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân như trước.
Iran để ngỏ khả năng duy trì đầy đủ thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho biết nước này sẵn sàng quay trở lại thực hiện thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu quá trình hợp tác với châu Âu mang lại các lợi ích kinh tế.

Phát biểu với các phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Zarif cho biết trong hoàn cảnh nhất định, Iran có thể thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân như trước.

Ông nói: “Chúng tôi từng nói rằng Iran sẵn sàng làm chậm hoặc đảo ngược những biện pháp nhằm tương xứng với những gì mà châu Âu làm. Chúng tôi sẽ quyết định xem liệu những gì châu Âu làm có xứng đáng để chúng tôi làm chậm hay đảo ngược một số bước. Thậm chí, chúng tôi cũng không loại trừ đảo ngược cả những bước đã thực hiện thời gian qua.”

Trước đó, châu Âu đã thành lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex) với Iran. Đây là cơ chế mới nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran để duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, Instex hiện vẫn chưa hoàn tất bất cứ giao dịch nào và Tehran lâu nay luôn cho rằng cơ chế này là không đủ. Ngoại trưởng Zarif cho biết thêm: “Chúng tôi không muốn nói về một quỹ từ thiện. Chúng tôi muốn nói về quyền của Iran và quyền của người dân Iran trong việc nhận được các lợi ích kinh tế.”

Tuyên bố của Ngoại trưởng Iran được đưa ra trong thời điểm nước này đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300kg.

Theo Iran, đây là động thái được thực hiện nhằm đáp lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCOPA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.

Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ.

Hiện, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận như Anh, Pháp và Đức đang nỗ lực cứu vãn văn kiện lịch sử hồi năm 2015 này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục