Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 14/12, Israel cho biết họ đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 giai đoạn 2 trên 1.000 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên.
Nếu thử nghiệm lần này thành công, Israel sẽ tiến hành tiêm đại trà cho người dân vào cuối mùa Hè năm 2021.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết trong giai đoạn đầu, loại vắcxin do Viện Nghiên cứu sinh học Israel phát triển đã được tiêm trên 80 tình nguyện viên và không có tác dụng phụ đáng kể nào.
[WHO cảnh báo tâm lý tự mãn khi có vắcxin phòng dịch COVID-19]
Tuy nhiên, Bộ không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào khác về kết quả thử nghiệm. Nếu đợt thử nghiệm lần này thành công, đợt thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiêm cho 30.000 tình nguyện viên tại Israel và ở nước khác.
Còn tại Nga, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, các nhà phát triển vắcxin nước này ngày 14/12 đã công bố kết quả thử nghiệm mới cho thấy vắcxin Sputnik-V một lần nữa đạt hiệu quả 91,4% trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Trong một tuyên bố cùng với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, vốn đang tiếp thị vắcxin này, các nhà nghiên cứu của Viện Gamaleya cho biết kết quả mới dựa trên dữ liệu của 22.714 người tham gia thử nghiệm và được công bố sau khi 78 trường hợp trong nhóm được xác nhận mắc COVID-19.
Theo các nhà nghiên cứu, trong số 78 ca mắc bệnh, 62 trường hợp xảy ra ở những người tham gia sử dụng giả dược.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo các nhà sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga đã đệ đơn đăng ký tiến hành các nghiên cứu lâm sàng tại Mexico.
Phát biểu với báo giới, ông Ebrard cho biết Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) sẽ xem xét và thông qua đề nghị trên.
Hiện Mexico đang thúc đẩy hàng loạt các thỏa thuận quốc tế để có thể tiếp cận vắcxin một cách nhanh nhất trong bối cảnh số ca bệnh và tử vong tiếp tục tăng mạnh từng ngày.
Trước đó, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 do Pfizer Inc (Mỹ) cùng đối tác BioNTech SE (Đức) đồng phát triển.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên của Pfizer với 250.000 liều trong tháng 12 này.
Mexico đã ký thỏa thuận mua 34,4 triệu liều vắcxin của Pfizer và 35 triệu liều vắcxin của hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc.
Các thỏa thuận này nằm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vắcxin của AstraZeneca, Pfizer và CanSino Biologics.
Mexico hiện nằm trong nhóm những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận trên 1,25 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 114.000 ca tử vong, đứng thứ 11 thế giới về số ca bệnh và thứ 4 thế giới về số ca tử vong./.