Khắc phục khoảng trống chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới.
Khắc phục khoảng trống chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số ảnh 1Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, chỉ có khoảng 70,9% phụ nữ người dân tộc thiểu số mang thai được khám thai ít nhất một lần tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ bình quân này còn khá thấp so với Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (VDG) đặt ra. Đặc biệt, còn có 2 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ được khám thai dưới 50 gồm: La Hủ (34,7%), Mảng (44,5%).

Thứ trưởng Lê Sơn Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: “Thực trạng này là khá nghiêm trọng và cần được khắc phục bởi tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai đầy đủ có liên quan trực tiếp đến tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cũng như việc ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.”

Dịch vụ y tế cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

Phát biểu tại Hội thảo trong khuôn khổ dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số" sáng 7/12 tại Hà Nội, ông Lê Sơn Hải cho hay Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

[Gia Lai: Di dời hai làng người dân tộc thiểu số ra khỏi vùng thiên tai]

Theo ông Lê Sơn Hải, những năm qua công tác y tế và chăm sóc sức khỏe đã được Chính phủ quan tâm. Thông qua nhiều các chương trình, chính sách, Chính phủ đã đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, tăng cường công tác y tế dự phòng và bố trí bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 69%.

Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở 22 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng giống nòi của một số dân tộc thiểu số đang bị suy giảm.

Khắc phục khoảng trống chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số ảnh 2Ông Lê Sơn Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo ông Hải, do điều kiện còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế cơ bản cho người dân chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư rất lớn giai đoạn 2021-2025 mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như đáp ứng được yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này.

Ông Koen Duchateau - Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong giai đoạn những năm 2010, y tế và năng lượng là những lĩnh vực trọng tâm quan trọng của hợp tác song phương EU - Việt Nam.

Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số triển khai từ 7/2017-12/2021, được Liên minh Châu Âu (EU) và ActionAid đồng tài trợ là một trong những chương trình góp phần thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025.

Hơn 90.000 người được tiếp cận dịch vụ

Đại diện người hưởng lợi từ dự án, bà Triệu Thị Sa ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Được tham gia dự án, tôi và các chị em trong buôn đã biết cách chăm sóc cơ thể mình và thảo luận chuyện này với chồng/bạn trai. Chúng tôi cũng biết chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe của bản thân gia đình. Trước đây thì chúng tôi đều kệ hoặc âm thầm chịu đựng hoặc phải đi gần 100km nếu cần khám phụ khoa.”

Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 800.000 Euro do Liên minh châu Âu và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ, triển khai từ 7/2017 tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Sau 4 năm hoạt động, hai phòng khám nhạy cảm giới tiêu chuẩn đã được thành lập, liên kết trực tiếp với hệ thống bảo hiểm quốc gia. Kết quả đã có hơn 90.000 người (tương đương 60% dân số toàn huyện là thanh niên và phụ nữ) tại hai huyện dự án đã được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao, nhạy cảm giới, minh bạch và hiệu quả.

Tại 2 huyện triển khai dự án, có 30 tổ chức nhân dân và cộng đồng đã được thành lập, vận hành và hoạt động hiệu quả.

Khắc phục khoảng trống chăm sóc sức khỏe người dân tộc thiểu số ảnh 3Ông Koen Duchateau - Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 24,6 triệu thanh niên (tuổi từ 10-24), chiếm gần 1/3 tổng dân số, mặc dù tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực song các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Dự án đã huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam. Tại mỗi huyện dự án, việc phân bổ ngân sách địa phương cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.

Ông Koen Duchateau nhấn mạnh trong 4 năm qua, với mục tiêu tăng cường các hoạt động của các tổ chức nhân dân hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cho các nhóm đối tượng yếu thế ở các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Dự án đã góp phần cùng với Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Sự hợp tác giữa các đối tác tham gia vào dự án mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Hy vọng những sáng kiến của dự án hiệu quả sẽ trở thành nhiều mô hình được lan rộng,” ông Koen Duchateau nhấn mạnh.

Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết EU sẽ tiếp tục cùng Việt Nam theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, tuân theo nguyên tắc bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục