Khách hàng rủ nhau “bùng” nợ: Công ty tài chính tiêu dùng liêu xiêu

Tình trạng nợ xấu của các công ty tài chính hiện nay khoảng 8%-10%, cá biệt có trường hợp lên đến 20% khiến nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ...
Khách hàng rủ nhau “bùng” nợ: Công ty tài chính tiêu dùng liêu xiêu ảnh 1Các diễn giả tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nợ xấu của các công ty tài chính hiện nay khoảng 8%-10%, cá biệt có trường hợp lên đến 20%.

Tình trạng này khiến nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Xúi nhau "bùng" nợ

Tại hội thảo, đại diện các công ty tài chính tiêu dùng đều phản ánh hiện nay hiện tượng nhân viên công ty đi đòi nợ, bị đuổi đánh bởi chính những người đi vay. Bên cạnh đó trên các trang mạng xã hội có nhiều hội nhóm “bày mưu” cho nhau để tìm ra cách “bùng” nợ hiệu quả nhất.

Chính vì vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng đang trở nên méo mó và gặp nhiều khó khăn hơn.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng nguyên nhân của việc “bùng nợ” là do khách hàng chưa nhận thức rõ về hậu quả mang lại.

[‘Đau đầu’ giải quyết tình trạng mạo danh công ty tài chính để cho vay]

Theo bà Nguyệt, việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, thậm chí là bị khách hàng đe dọa, sử dụng bạo lực.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân chính của việc “bùng nợ” là do nhận thức của người đi vay, mức độ hiểu biết về tài chính tiêu dùng thấp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về cho vay và cho vay tiêu dùng chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ, thành lập hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được. Dư nợ cho vay tiêu dùng không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ đồng).

Khách hàng rủ nhau “bùng” nợ: Công ty tài chính tiêu dùng liêu xiêu ảnh 2Rất dễ dàng tìm thấy các hội nhóm rủ nhau tìm cách bùng nợ trên mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần hành lang pháp lý hoàn chỉnh

Với vô vàn khó khăn như trên, để các công ty tài chính tiêu dùng vững tâm hoạt động, tiếp tục cho vay, mở rộng mạng lưới và quy mô hoạt động đến khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, nhằm góp phần hạn chế “tín dụng đen” và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, việc nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty tài chính là hết sức cần thiết.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, quy định về lãi suất cho vay giữa luật tổ chức tín dụng và luật dân sự chưa đồng bộ. Trong đó, trần lãi suất theo luật dân sự là 20%/năm, nhưng luật chuyên ngành đang được quy định bằng cụm từ “theo thoả thuận.”

“Do có độ chênh nên gần như cơ quan công an đang tạm hiểu rằng lãi suất cứ trên 20% là vi phạm pháp luật dân sự. Điều này cũng khiến người dân đánh đồng 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép với các đơn vị khác đang tồn tại. Hay nói cách khác, trần lãi suất đang hạn chế việc tiếp cận tín dụng. Giải quyết vấn đề, tôi nghĩ rằng cần có luật cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo thông lệ quốc tế, trong đó áp dụng ngưỡng nợ xấu và trần lãi suất riêng cho nhóm này,” ông Lực nói.

Còn Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho hay pháp luật Việt Nam đã có nhưng chưa đủ, chưa áp dụng được vào thực tế. Gần như 16 công ty tài chính chính thống chưa sử dụng toà án để giải quyết vấn đề nợ. Bởi lẽ, nợ cho vay tiêu dùng rất nhỏ trong khi chi phí và thời gian cho một phiên toà giải quyết tranh chấp nợ lại vô cùng lớn.

Cũng theo ông Truyền, ngoài việc trông chờ sự tiếp sức bằng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, các công ty tài chính cũng cần phải tự tìm cách gỡ khó trong tình hình hiện nay, đặc biệt vấn đề về lãi suất.

Đại diện FE Credit cũng chia sẻ thời gian qua, các công ty tài chính đã có thay đổi rất lớn để điều tiết lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Điển hình, năm 2022 và 2023, FE Credit đã đưa gói tín dụng đến từng công ty cho công nhân với mức lãi suất thấp, thậm chí còn cạnh tranh và thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Khách hàng rủ nhau “bùng” nợ: Công ty tài chính tiêu dùng liêu xiêu ảnh 3Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công An phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công An cho biết trong thời gian tới, Cục Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp với các Bộ ban ngành chủ động phát hiện sớm, nắm bắt kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, vụ việc có liên quan từ vay nợ, đòi nợ, tín dụng đen trong nội bộ nhân dân, những người có biểu hiện quẫn bách tài chính, nợ nần, vay lãi nặng có nguy cơ cao phạm tội... để thông báo, cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng Công an xử lý, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng sẽ quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi để hạn chế tìm đến tín dụng đen; phối hợp với lực lượng Công an nắm bắt tình hình liên quan đến công nhân tại các khu công nghiệp, khu vực có nhiều công nhân, kịp thời phát hiện các hành vi liên quan đến tín dụng đen, các mâu thuẫn liên quan đến vay nợ, tín dụng đen để trao đổi, phối hợp với lực lượng Công an phòng ngừa, xử lý. Ngược lại, các công ty tài chính cũng cần quan tâm hỗ trợ với người lao động, công nhân thu nhập thấp bằng các gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp.

Ngoài ra, theo ông Sơn, Cục Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, xác thực thông tin người dùng, loại bỏ hình thức SIM rác, tài khoản “ảo”; triển khai các giải pháo hỗ trợ tài chính cho người dân thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư theo đúng tiến độ đặt ra; sớm có giải pháp và văn bản chỉ đạo thực hiện việc xác thực thông tin người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, các tài khoản trên không gian mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục