‘Đau đầu’ giải quyết tình trạng mạo danh công ty tài chính để cho vay

Mặc dù hiện nay NHNN mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động nhưng trên thực tế lại đang có nhiều công ty tư vấn tài chính không được cấp phép cũng thực hiện hoạt động cho vay.
‘Đau đầu’ giải quyết tình trạng mạo danh công ty tài chính để cho vay ảnh 1Các đại biểu tham dự tại hội thảo “Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế". (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 18/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Tài chính tiêu dùng-kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế.”

Các đại biểu tham dự hội nghị cho biết hiện có nhiều công ty tự mạo danh là công ty tài chính tiêu dùng để cho vay, đặc biệt là cho vay qua app với lãi suất cao làm ảnh hưởng đến các công ty chính danh và làm méo mó thị trường cho vay tài chính tiêu dùng.

Mập mờ “công ty tài chính”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế- xã hội. Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. 

[Ngân hàng chung tay giải bài toán ‘an cư lạc nghiệp’ cho công nhân]

"Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng," ông Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Tú cũng chỉ ra mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc nhưng trên thực tế lại đang có nhiều công ty tư vấn tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty fintech cho vay online, các app cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

“Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do cơ quan quản lý cấp phép và hoạt động ‘tín dụng đen’ đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng,” Phó Thống đốc chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cũng cho biết gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Cũng theo ông Phương, thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Đại diện Công ty tài chính FE Credit cũng thừa nhận thực trạng các công ty tài chính bị hiểu nhầm là tín dụng đen đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Cần xử lý nghiêm

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng-Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Luật Các tổ chức tín dụng.

‘Đau đầu’ giải quyết tình trạng mạo danh công ty tài chính để cho vay ảnh 2Nhiều công ty tài chính không được cấp phéo nở rộ. (Ảnh: Vietnam+)

“Vì vậy, cần phải giúp công luận hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, các cửa hàng cầm đồ, các app cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ… để người dân, nhất là người yếu thế tin tưởng và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vay vốn phục vụ mục đích chính đáng của mình,” ông Hùng cho hay.

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tập trung vào các đối tượng hình sự hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua App, website để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự cho biết thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen,” các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động... gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Ủy ban Nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19./.

Liên quan đến gói tín dụng 20.000 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động bằng 50% lãi suất cho vay thông thường của Công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh đây là gói hỗ trợ có tính chất vừa là thử nghiệm, vừa là triển khai thí điểm để tạo tiền đề nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả.

Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn và gói tín dụng này sẽ phát huy hiệu quả.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục