Khẳng định vai trò của báo chí qua hàng nghìn tài liệu, hiện vật

“Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, biết ơn những đóng góp to lớn của đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam,” Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định.
Khách tham quan gian trưng bày hiện vật của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Khách tham quan gian trưng bày hiện vật của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Lễ khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức diễn ra sáng 19/6 tại Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà báo lão thành và đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.

Tái hiện lịch sử báo chí

Bảo tàng nằm trong khuôn viên Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xác định là bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt  Nam quản lý, thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam.

[Infographics] Dấu ấn 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết trong 3 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại để hoàn thành bước đầu các không gian trưng bày thường xuyên.

Hiện nay, các kho cơ sở của bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản khoảng 20.000 hiện vật, tài liệu; trong đó có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt để phục vụ trưng bày thường xuyên.

Các không gian trưng bày thường xuyên được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 theo năm phần: “Phần 1: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925,” “Phần 2: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945,” “Phần 3: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954,” “Phần 4: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975” và “Phần 5: Báo chí Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay.”

Hình tượng bút sen ở gian khánh tiết hay bục kim cương ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925… là những điểm nhấn nổi bật trong không gian trưng bày của bảo tàng.

“Ngay từ khi mới ra đời, báo chí Việt Nam đã có vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân, tỏ rõ vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, lớp lớp nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường, hơn 500 người làm báo đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mồ hôi và máu của các anh chị vẫn thấm đỏ từng trang báo, thước phim, bức ảnh tư liệu để lại,” ông Thuận Hữu bày tỏ.

Khẳng định vai trò của báo chí qua hàng nghìn tài liệu, hiện vật ảnh 1Đại biểu tham quan gian trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 21/8/2014, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sứ mệnh tiên phong

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh việc khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020). Ngay từ khi ra đời, báo chí Việt Nam đã mang tính chất tiến bộ, là tiếng nói của nhân dân, dân tộc với khát vọng độc lập, dân chủ, văn minh.

Phó Chủ tịch nước khẳng định trong 95 năm qua, hoạt động báo chí luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân, dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Người đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho hoạt động báo chí. Những bài báo của Người đã đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, luôn giữ vững vai trò là dòng thông tin chủ lưu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Những người làm báo luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, tự tin viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, của thế hệ những người làm báo đi trước, tiếp tục đảm đương sứ mệnh tiên phong trên mặt trận văn hoá-tư tưởng, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải,” Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận, biểu dương sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ người làm báo. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, biết ơn những đóng góp to lớn của đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với báo chí, đáp ứng lòng mong mỏi của những người làm báo.”

Khẳng định vai trò của báo chí qua hàng nghìn tài liệu, hiện vật ảnh 2Một góc trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Phó Chủ tịch nước chỉ rõ để bảo tàng phát huy hiệu quả hoạt động, các không gian trưng bày không chỉ là nơi tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc và kiến quốc của dân tộc, tôn vinh các đóng góp của những thế hệ người làm báo, lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí mà còn phải là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử, văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục