Khoán sản phẩm để đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học

Tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, đầu tư hơn nữa cho các phòng thí nghiệm là những giải pháp được lãnh đạo các trường đại học đưa ra để giải quyết bài toán đẩy mạnh nghiên cứu trong nhà trường hiện nay.
Lãnh đạo các trường đại học cho rằng cần đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm mới đẩy mạnh được nghiên cứu khoa học. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Lãnh đạo các trường đại học cho rằng cần đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm mới đẩy mạnh được nghiên cứu khoa học. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học cho các dự thảo liên quan đến việc xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học…

Gỡ nút thắt cơ chế

Đánh giá cao ý nghĩa tích cực của các dự thảo khi đề cao vai trò nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học cho rằng cần gỡ các nút thắt cơ chế để cởi trói cho nghiên cứu khoa học trong các nhà trường.

Về cơ chế tài chính, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí-Công nghệ Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu giải quyết tốt cơ chế tài chính khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng (nhằm giảm các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học) thì việc xây dựng thành công các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học, hướng đến các nghiên cứu xuất sắc là điều hoàn toàn khả thi.

Về cơ chế quản lý, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Đình Đôn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính đội ngũ nghiên cứu. Các nhà khoa học là tác giả các giải pháp công nghệ phải được thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học và được phép làm giám đốc doanh nghiệp này. “Nếu không thì rất khó có thể xây dựng thành công mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay,” ông Đôn nói.

Cũng theo ông Đôn, để đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ cần có môi trường tự chủ toàn diện. Trong đó, có ba việc lớn của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao trong trường đại học cần phải được làm rõ.

Thứ nhất là xác định đúng vai trò của doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học. Thứ hai là làm rõ quyền lợi của của các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ và sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học. Thứ ba là đẩy mạnh vai trò hỗ trợ của các trường đại học cho đội ngũ nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu.

Khoán sản phẩm để đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học ảnh 1Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham quan phòng thí nghiệm của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đầu tư mạnh cho phòng thí nghiệm

 Bên cạnh việc gỡ các nút thắt cơ chế, lãnh đạo các trường đại học cũng cho rằng muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các nhà trường thì phải đầu tư hiện đại hóa các phòng thí nghiệm.

Đưa dẫn chứng cụ thể, phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phòng thí nghiệm của trường này vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Đa số thiết bị thí nghiệm đã được đầu tư từ hơn 10 năm qua, trong khi khoa học công nghệ tiến bộ từng ngày. Hiện tại, nhiều phòng thí nghiệm của trường đã tụt hậu, xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kinh phí để thay mới hay duy tu, sửa chữa.

Ông Sơn cho hay, trường đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong toàn trường và đạt kết quả công bố 50 bài báo khoa học trong danh mục ISI năm 2018, nhưng nếu các trường chưa được đầu tư về cơ sở vật chất sẽ khó thành lập được nhóm nghiên cứu mạnh.

[Giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học]

Lấy ví dụ như chỉ tiêu về trưởng nhóm nghiên cứu mạnh phải có 10 bài báo IST/năm, ông Sơn cho rằng đây là chỉ tiêu rất khó thực hiện, đặc biệt là với lĩnh vực khoa học giáo dục, nhất là khi trưởng nhóm lại bị giới hạn về độ tuổi để có thời gian đủ dài dẫn dắt nhóm.

Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, khi thăm quan các phòng thí nghiệm của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ông rất xúc động và hết sức bất ngờ vì cơ sở vật chất của các phòng thí nghiệm thiếu, chất lượng thấp.

“Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các trường đại học sư phạm trong điểm nói chung và Trường Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, bởi nơi đây đã và đang có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ các thầy cô cho toàn bộ khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ,” ông Đôn nói.

Cũng theo ông Đôn, việc đầu tư phòng thí nghiệm cho các trường đại học là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ trong các nhà trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục