Không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm khi triển khai học bạ số

Qua thí điểm, các đơn vị cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai học bạ số.

Giờ Tin học của học sinh tiểu học Trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Giờ Tin học của học sinh tiểu học Trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thực hiện thí điểm học bạ số.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học và nhiều văn bản quy định về thẩm quyền trách nhiệm, mô hình quản lý, đặc tả kỹ thuật về học bạ số để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

Qua quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai tại địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về học bạ số theo thẩm quyền trách nhiệm và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có địa phương chưa triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm.

Để tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thí điểm học bạ số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đây là việc mới, lần đầu thực hiện nên cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, quá trình triển khai cần phát huy hiệu quả tối đa kinh nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, nhân lực hiện có, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Bộ và chủ động, linh hoạt triển khai phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng phương án thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình triển khai cần thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý.

Qua thí điểm, các đơn vị cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị…

Các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đánh giá kết quả triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học tại địa phương, đánh giá tác động đến các đối tượng liên quan, công tác quản lý, sử dụng học bạ số; kinh phí cho duy trì, vận hành hệ thống học bạ số khi triển khai diện rộng vào thời gian tiếp theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành giáo dục theo Quyết định số 131/QĐ-TTg gắn với thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về học bạ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg về triển khai thí điểm học bạ số trong năm 2024, triển khai toàn quốc từ năm học 2024-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục