Kiên Giang từng bước đẩy lùi tình trạng phá rừng, bao chiếm đất rừng

Năm 2022, mặc dù các ngành chức năng tỉnh tập trung quyết liệt bảo vệ rừng, tuy nhiên tình hình bao chiếm, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn TP Phú Quốc diễn biến phức tạp.
Kiên Giang từng bước đẩy lùi tình trạng phá rừng, bao chiếm đất rừng ảnh 1Cây cối thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng bị chặt phá.(Nguồn: TTXVN)

Rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có vai trò quan trọng cả về mặt kinh tế - xã hội, môi trường, nghiên cứu khoa học và an ninh quốc phòng.

Hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, bao gồm rừng lá rộng thường xanh, rừng ngập phèn, rừng ngập mặn với nhiều loài động vật và thực vật rừng quý hiếm, có tên trong sách Đỏ Việt Nam và Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Hiện nay, Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 80.000 ha (đất có rừng trên 66.490 ha, đất chưa có rừng gần 13.400 ha). Trong số đó, rừng đặc dụng trên 39.700 ha, rừng phòng hộ trên 32.000 ha và rừng sản xuất trên 8.114 ha. Độ che phủ của rừng là 12%.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 9/15 huyện, thành phố và được giao cho các chủ thể quản lý, gồm Vườn Quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng; Ban Quản lý rừng Kiên Giang; Ban Quản lý Lâm trường 442 và các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Năm 2022, mặc dù các ngành chức năng tỉnh tập trung quyết liệt bảo vệ rừng, tuy nhiên tình hình bao chiếm, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Phú Quốc diễn biến phức tạp. Rừng phòng hộ ven biển một số địa phương bị thiệt hại do tình trạng người dân chặt phá để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và bị sạt lở do thiên tai.

Qua tuần tra, kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện lập biên bản 244 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tăng 45% so với năm 2021 (168 vụ). Các vụ việc vi phạm tập trung chủ yếu là lấn chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật, khai thác rừng trái pháp luật… Riêng Tổ công tác đặc biệt của tỉnh đã tiến hành xử lý 1.744 vụ, với diện tích 685 ha, đất nhà nước quản lý và đất rừng tại thành phố Phú Quốc.

Để từng bước khôi phục lại diện tích rừng, tỉnh Kiên Giang đã cho trồng lại gần 200 ha; khoán bảo vệ rừng gần 10.000 ha; chăm sóc rừng trên 1.200 ha. Bên cạnh đó trồng cây phân tán trên 2 triệu cây.

Để rừng hạn chế bị lấn chiếm, chặt phá, năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo rà soát lại tổ chức bộ máy ngành lâm nghiệp, điều chỉnh, bổ sung nhiêm vụ phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị trên cơ sở quy định của pháp luật.

Năm 2023, các chủ rừng phải hoàn thành việc cấp giấy quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch rừng của từng đơn vị, thống nhất ranh giữa thực địa bản đồ, đảm bảo diện tích quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý; đẩy lùi tình trạng phá rừng, bao chiếm đất rừng, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc.

[Điện Biên: Báo động tình trạng 'rút ruột' rừng ở huyện Mường Nhé]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái và tham mưu triển khai phương án, đề án đã được phê duyệt đúng quy định. Tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất rừng, các dự án cho thuê môi trường rừng để hướng dẫn các nhà đầu tư thưc hiện trình tự thủ tục hồ sơ theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định có liên quan; tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngành chức năng chỉ đạo chủ rừng triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các nhiệm vụ trồng rừng thay thế, kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh…

Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường chỉ đạo quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích rừng được chăm sóc; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng khi đến mùa trồng rừng, đồng thời phấn đấu tăng tỷ lệ trồng cây phân tán để đảm bảo kế hoạch đã đề ra.

Theo đó, chỉ tiêu giao khoán bảo vệ rừng là 18.600 ha, trồng rừng tập trung 507 ha; trồng cây phân tán 20.000 cây, triển khai trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển mục đích sự dụng rừng. Huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ rừng và phát triển rừng, đẩy mạnh trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển góp phần chống sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; duy trì, ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 11%.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng rà soát các quy chế phồi hợp, giao nhiệm vụ từng cơ quan chủ trì triển khai thực hiện, đặc biệt là bảo vệ rừng ở khu vực trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Phú Quốc và Ban Quản lý rừng Kiên Giang. Tiếp tục duy trì Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục