Lâm Đồng: Siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc ở tỉnh.
Lâm Đồng: Siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản ảnh 1Bãi tập kết cát từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Nhim, thị trấn Đ'ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Chỉ đạo trên được đưa ra sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh báo cáo việc chỉ đạo thực hiện kiến nghị kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể tại văn bản số 918/UBND-TL ngày 10/2/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ủy ban nhân dân các địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng trên địa bàn; xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép; tập kết, mua bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản không rõ nguồn gốc; triển khai lắp đặt camera giám sát tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt tại các những địa bàn giáp ranh.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để xảy ra sai phạm tại địa phương, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí tiếp tục lên tiếng.

[Lâm Đồng: Làm rõ vụ núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh]

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, được các cơ quan báo chí phát hiện và thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các hoạt động vi phạm chủ yếu là san gạt và vận chuyển không phép đất đá phục vụ đào đắp các công trình xây dựng; hoạt động khai thác cát dưới danh nghĩa nạo vét và tận thu khoáng sản dưới lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện, nhưng không gắn camera, trạm cân để trốn thuế. Đáng chú ý nhất là hoạt động khai thác cao lanh trái phép núp dưới vỏ bọc đào đắp, vận chuyển đất phế thải công trình.

Trước đó, ngày 18/5/2022, phóng viên TTXVN đã có bài “Lâm Đồng xác minh thông tin doanh nghiệp núp bóng sản xuất gạch để khai thác cao lanh trái phép” tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạch không nung Thiên Tự Phước ở thôn Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Công ty này đã nhiều năm núp bóng sản xuất gạch để đào cao lanh bán cho một doanh nghiệp sản xuất phân bón nổi tiếng có địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khai là bán đất phế thải…

Ngày 7/2/2023, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng về việc nhận được phản ánh của người dân ở xã Bình Thanh, huyện Đức Trọng về tình trạng khai thác đất sét, cao lanh trái phép, không phép.

Sở này đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng chỉ đạo Công an huyện và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục