Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn. Trong đó, có 79 dự án hoàn thành với quy mô 40.679 căn và 128 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 111.688 căn. Số lượng dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng là 412 dự án với quy mô 409.449 căn.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào chiều 5/8.
Tập trung triển khai các luật liên quan tới thị trường bất động sản
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết riêng trong 6 tháng đầu năm cả nước có 8 dự án đã hoàn thành (trong đó 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 3.136 căn. Cùng với đó, có 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn và 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn.
Để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các bộ, ngành lập kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này của Chính phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TP Hồ Chí Minh đã có dự án nhà ở xã hội đầu tiên được vay gói 120.000 tỷ đồng
Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi có quy mô 1.040 căn, do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư là dự án đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh được vay gói 120.000 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, hiện nay Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024. Do vậy, Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan sẽ tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và người dân biết, cùng hiểu và triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương lập kế hoạch tổ chức thực hiện theo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2024 (của địa phương) đã được Bộ Xây dựng phân giao cụ thể và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Các cơ quan chuyên ngành thực hiện nghiên cứu và quan tâm ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở 2023. Trên cơ sở đó, địa phương thực hiện phổ biến các quy định để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc các chủ đầu tư dự án đã khởi công xây dựng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Với các dự án đã được chấp thuận thì khẩn trương thực hiện lựa chọn chủ đầu tư, sớm đưa vào khởi công xây dựng.
Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng thế nào?
Về gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng cho hay ngoài bốn ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và TechcomBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình, số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Như vậy, cả nước có tám ngân hàng thương mại tham gia triển khai gói hỗ trợ với số tiền 140.000 tỷ đồng.
Song qua tổng hợp, Bộ Xây dựng ghi nhận mới có 34/63 Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản và công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.344 tỷ đồng (bao gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án).
Với thực tiễn đó, ông Dũng cho hay Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1699/BXD-QLN ngày 23/4/2024 hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư. Điều này đã cắt giảm điều kiện được vay vốn của chủ đầu tư (cụ thể cắt giảm điều kiện đã được cấp phép xây dựng, chỉ còn điều kiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư và đã được giao đất).
Trước đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ đã triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5%-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND (bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3%-5% (đối với khách hàng là Chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5%-2%).
“Ngày 2/8, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4408/BXD-QLN thống nhất với đề xuất nêu trên của Ngân hàng Nhà nước,” Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nói./.