Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Nghi lễ cúng cầu an trong Lễ hội Katê thường niên của đồng bào Chăm Bình Thuận tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ hội Katê - một trong sáu lễ hội tiêu biểu của Bình Thuận

Sáng 4/4, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Truyền thống Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mụcDi sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Vào Lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Hơn 15 năm qua, Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong sáu lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Ngoài lễ hội Katê, người Chăm ở Bình Thuận còn có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan…

Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm...

Lễ hội dân gian đậm đà bản sắc của dân tộc Chăm

Katê là lễ hội dân gian đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc Chăm, là bức tranh phác họa đời sống sinh hoạt cộng đồng; nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc Chăm.

Lễ hội Katê có các hoạt động ở đền, tháp; thôn, xóm và tại các gia đình.

Tại đền, tháp có các hoạt động: lễ đón rước y trang, nghi lễ diễn ra ở các đền, tháp nơi tổ chức lễ hội (tháp Chăm Pô Sah Inư, tháp Pô Klông Garai, tháp Pô Rômê, Pô Nagar). Đây là lễ đón rước y trang của Nữ thần Pô Ina Nagar. Đây là Thần mẹ xứ sở, thủy tổ của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nên thần mẹ xứ sở có ảnh hưởng rất nhiều đến tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Chăm cũng như có ảnh hưởng đến các dân tộc ở Việt Nam.

Lễ mở cửa đền, tháp: chủ trì phần nghi lễ này là vị cả sư, các tu sỹ làm lễ cầu xin các vị thần linh cho phép được mở cửa đền, tháp. Lễ này được diễn ra trước cửa đền, tháp trong không khí rất tôn nghiêm.

[Đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận rộn ràng đón Lễ hội Katê]

Lễ tắm tượng thần: Lễ này được diễn ra bên trong đền, tháp, phần nghi lễ này gồm có cả sư, ông Kadhar-thầy kéo đàn Kanhi và hát những bài ca tụng công ơn của các vị vua, Muk Pajâu (bà Bóng), ông Camưnay (Ông Từ) và một số tín đồ nhiệt thành khác. Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần (tượng thần bằng đá dưới hình thể linga hình mặt người).

Lễ mặc y phục cho tượng thần: Sau khi lễ tắm tượng thần kết thúc thì đến phần nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ được tiến hành nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi và tiếng hát của ông Kadhar. Khi ông Kadhar đang hát thì ông Camunay và Muk Pajâu mặc váy, áo cho tượng thần. Cứ như thế cho đến khi mặc y phục cho vua xong.

Tiếp đến là múa cầu an và dâng lễ, cuối cùng là lễ múa mừng lễ hội Katê với các điệu múa của thiếu nữ Chăm hòa nhịp trong tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.

Tại làng và gia đình, sau khi lễ hội tại các đền, tháp kết thúc thì không khí của hội lại sôi nổi diễn ra ở các làng, thôn xóm của người Chăm. Tại các thôn xóm Chăm nhộn nhịp với những trò chơi dân gian đặc sắc như: hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát; trưng bày gốm, thổ cẩm; cúng Katê thần làng; các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao…

Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Nghi lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Khi lễ hội ở làng kết thúc thì lễ Katê ở các dòng tộc, gia đình trong đồng bào Chăm mới được tổ chức. Lễ hội Katê tại các gia đình và dòng họ được tổ chức nhằm quy tụ tất cả các thành viên trong gia đình để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu biết ơn, kính trọng tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca-múa-nhạc dân gian với phong cách độc đáo.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm diễn ra hằng năm đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Lễ hội không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục