Liên hợp quốc báo động khẩn cấp về khủng hoảng giáo dục tại Liban

Khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19 khiến nhiều trường học không có đủ kinh phí để hoạt động, giáo viên đi làm không đủ lương sống, học sinh-sinh viên không có phương tiện tới trường.
Liên hợp quốc báo động khẩn cấp về khủng hoảng giáo dục tại Liban ảnh 1Học sinh tại một trường học ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế suy sụp trong nhiều năm đã khiến nền giáo dục của Liban lâm vào khủng hoảng và tình hình hiện nay đang hết sức khẩn cấp đòi hỏi sự hỗ trợ cấp bách của cộng đồng quốc tế.

Bà Maysoun Chehab - quan chức thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đã đưa ra lời kêu gọi trên bên lề một sự kiện được tổ chức ngày 28/3 đánh dấu kết thúc dự án trị giá 35 triệu USD của UNESCO nhằm khôi phục 280 trung tâm giáo dục bị hư hại trong vụ nổ tại cảng Beirut năm 2020.

Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, phá hủy cơ sở hạ tầng của thủ đô và làm gián đoạn việc học tập của ít nhất 85.000 thanh thiếu niên.

Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đến thăm Beirut vài tuần sau đó, thúc đẩy các nỗ lực khôi phục các cơ sở hạ tầng và trường học bị hư hại.

Giờ đây, học sinh và giáo viên đã có phòng học mới nhưng họ vẫn đang phải chịu tác động kép của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở Liban và đại dịch COVID-19.

Kể từ cuối năm 2019, đồng nội tệ Liban đã mất hơn 90% giá trị, đẩy phần lớn người dân nước này rơi vào cảnh nghèo đói.

[Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Con đường chông gai của Liban]

Việc cắt điện kéo dài hơn 20 giờ mỗi ngày và giá xăng dầu tăng cao đồng nghĩa với nhiều học sinh không đủ khả năng đến lớp cũng như học tập ở nhà.

Cụ thể, bà Chehab liệt kê một loạt yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của Liban như trường học không có đủ kinh phí để hoạt động như bình thường; giáo viên đi làm không đủ lương để nuôi sống gia đình; học sinh-sinh viên không có phương tiện đến trường do giá xăng dầu tăng cao.

Tại Liban, mức lương tối thiểu từng trị giá 450 USD, giờ chỉ là 28 USD.

Cuộc khủng hoảng tại Liban đã buộc nhiều học sinh, sinh viên phải nghỉ học để kiếm sống. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ ghi danh vào các cơ sở giáo dục giảm từ 60% năm 2021 xuống 43% trong năm học hiện tại.

Hiện Liban chỉ có thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ viện trợ nhân đạo, mà không thể tiếp cận hàng tỷ USD khoản vay từ các tổ chức quốc tế do không thể thực hiện các cải cách, đáp ứng điều kiện vay nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục