Liên hợp quốc hối thúc Saudi Arabia dỡ bỏ phong tỏa Yemen

Tổng thư ký Guterres đã gứi thư tới Đại sứ Saudi Arabia tại Liên hợp quốc yêu cầu mở lại các cảng chủ chốt để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo tại Yemen.
Liên hợp quốc hối thúc Saudi Arabia dỡ bỏ phong tỏa Yemen ảnh 1Một tháp phát sóng bị hư hại sau các đợt không kích do liên quân Arab tiến hành tại thành phố Taez, Yemen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres thất vọng vì liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu từ chối dỡ bỏ phong tỏa Yemen.

Theo người phát ngôn Stephane Dujarric, ngày 16/11, Tổng thư ký Guterres đã gứi thư tới Đại sứ Saudi Arabia tại Liên hợp quốc yêu cầu mở lại các cảng chủ chốt để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo tại Yemen.

Người phát ngôn nêu rõ Tổng thư ký Liên hợp quốc thất vọng vì đề nghị dỡ bỏ phong toả với Yemen không được chính quyền Saudi Arabia đáp ứng. Ông Guterres và các quan chức cao cấp của Liên hợp quốc rất quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn tại Yemen.

Saudi Arabia và các đồng minh đã tiến hành can thiệp quân sự vào Yemen từ tháng 3/2015, với mục tiêu đẩy lùi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và khôi phục chính quyền của Tổng thống Mansour Hadi. Kể từ khi liên quân này phong tỏa các tuyến biên giới trên đất liền cũng như các cảng biển và sân bay, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác phải xin phép trước khi chuyển hàng cứu trợ tới Yemen.

[LHQ cảnh báo hậu quả nhân đạo "không thể tưởng tượng được" ở Yemen]

Ngày 6/11 vừa qua, liên quân tăng cường phong tỏa khi tuyên bố đóng cửa các cảng biển và cửa khẩu đối với các tổ chức cứu trợ nhân đạo, sau khi Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ Houthi bắn tên lửa vào khu vực gần sân bay Riyadh hai ngày trước đó. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/11 đã yêu cầu liên quân Arab dỡ bỏ phong tỏa đối với Yemen, đồng thời cảnh báo nạn đói nghiêm trọng đang tiếp tục xấu đi tại nước này.

Theo Liên hợp quốc, Yemen đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất, với 17 triệu người cần cứu trợ lương thực và 7 triệu người có nguy cơ bị đói. Đồng thời, một đợt dịch tả nghiêm trọng nhất thế giới bùng phát ở nước này với gần 1 triệu người nhiễm dịch và hơn 2.000 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục